Biển
xanh nắng ấm Hawaii
Minh
Tâm
Người
Mỹ thích đi nghỉ hè ở Hawaii. Mỗi khi có dịp là họ tìm đến vùng biển xanh nắng ấm
nầy để tắm biển và tỉnh dưỡng. Người Nhựt thì coi Hawaii là sân sau của mình. Họ
đến Hawaii để mua sắm và nghỉ ngơi. Vào mùa thu nầy tôi quyết định đi du lịch tại
Hawaii, trước là dưỡng sức sau những ngày làm việc mệt nhọc, sau là tìm hiểu về
một quần đảo xinh đẹp và đầy thơ mộng.
Mua
vé:
Tôi
vẫn thường khuyên bạn khi đi du lịch thì nên mua vé sớm để có ưu tiên, nhưng kỳ
nầy vì hơi bận nên trước khi đi ba tuần tôi mới tới hãng du lịch mua vé. Vì vậy
nên cũng hơi mất phần ưu tiên. Số là đi Hawaii từ Los Angeles có ba chuyến :
sáng, trưa, tối. Nếu đi chuyến sáng thì giá rẻ mà khi tới Hawaii lại có nhiều
thì giờ để chơi. Tôi hỏi hơi trễ nên người ta mua hết vé buổi sanùg nên phải
mua vé đi trưa vừa tốn thêm tiền vừa mất thời giờ, vì khi tới Hawaii thì trời
đã tối rồi. Âu đó cũng là một kinh nghiệm quý giá. Hôm tôi mua vé thì thấy những
tour du lịch Hawaii bán rất chạy. Vừụa có người gọi điện thoại trên máy hỏi
thăm, vừa có hai người khách đang làm giấy tờ để mua vé. Có lẽ tại giá vé cũng
tương đối vừa túi tiền. Đi chơi 5 ngày , 4 đêm chỉ khoảng 440 đô một người, bao
đưa đón phi trường và có hai city tours. Đó là đi vào ngày thứ hai, khi vé máy
bay hạ vàụ ở khách sạn hơi xa biển một chút, cách chừng 10 phút đi bộ. Còn nếu
muốn đi vào cuối tuần và từ khách sạn bước vài bước là tới biển thì giá cao hơn rất nhiều. Tôi cũng hỏi thêm nếu muốn
đi thêm đảo khác như đảo Maui, Hawaii thì giá như thế nào. Người bán vé cho biết
phải tốn thêm vé máy bay, khách sạn. Mà các đảo đó thường tương đối yên tĩnh và
hơi chán chỉ thích hợp cho các cặp tình nhân muốn xa lánh hồng trần để có tự do
bên nhau. Qua các đảo đó, mình phải tự mướn xe và lái đi chơi chớ không có người
hướng dẫn. Như vậy nếu bạn muốn đi Hawaii thì nên phải tới hãng du lịch để thảo
luận với họ vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chuyến đi như đi ngày nào, bạn muốn
ở khách sạn nào, đi bao nhiêu đảo ... Tất cả cần có sự quyết định cuả bạn.
Chuyến
bay:
Chiều
ngày thứ hai 11/10, đúng chương trình chúng tôi đến phi trường để bay đi
Hawaii. Việc lấy số chỗ ngồi lên máy bay (check-in) ngày nay đa số làm bởi
chính du khách nhờ những máy tính của hãng hàng không và e-ticket. Công việc nầy
nếu biết làm thì nhanh hơn rất nhiều so với phải xếp hàng chờ nhân viên hãng
hàng không giúp đỡ. Ta chỉ cần có thẻ tín dụng (để máy đọc tên của mình), sau
đó theo chỉ dẫn của máy mà làm. Do việc nầy còn mới nên cũng có nhân viên của
hãng hàng không đứng gần đó giúp đỡ cho chúng ta. Chuyến bay hôm nay không còn
một chỗ trống mà lại có nhiều người chờ đợi để đi theo kiểu vé chờ (stand-by).
Ngồi chơi một lúc, lại có tin là nếu ai muốn nhường vé để đi chuyến sau, chậm
hơn khoảng 5 tiếng thì sẽ được thưởng một số tiền (credit) là 400 đô để mua vé
máy bay cùng hãng trong tương lai. Tôi và bà xã nói với nhau là nếu mình không
kẹt vụ phải có người đón (như ở chuyến về) thì sẽ nhường vé lại (coi như đi
chơi miễn phí). Tiếc rằng cơ hội không đến hai lần. Trên máy bay, ngay chỗ ngồi
của mình đã có sẵn một tờ khai về nông sản và thú vật đem theo. Hawaii là hải đảo
có ngành nông nghiệp khá quan trọng nên người ta không muốn du khách đem sâu bọ
vào đảo. Có trái cây thì phải khai báo (nếu không có thể bị phạt đến 25000 đô).
Tuy nhiên người ta không xét hỏi khó khăn mà những tờ khai nầy chỉ được nhân
viên hàng không thu lại mà thôi.
Về
chuyện phục vụ, trên một tiếng sau khi cất cánh, người ta có cho ăn một bữa ăn
nhẹ . Ngày nay đi máy bay Mỹ thường phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống chớ họ phục
vụ mấy vụ nầy yếu hơn xưa kia. Còn muốn xem phim thì phải thuê head-phone.
Sau
hơn 5 giờ bay, chúng tôi đã đến Honolulu. Trên đường ra chỗ nhận hành lý thấy rất
nhân viên các hãng du lịch, tay cầm vòng hoa (lei) để chuẩn bị chào đón du
khách tới thăm Hawaii. Đây là một phong tục rất hiếu khách của người dân xứ đảo.
Anh Tuấn của hãng du lịch đã chờ đón 4 người từ Cali qua để đưa về khách sạn
nghỉ ngơi vì trời cũng đã tối.
"Aloha"
là lời chào thân thương của anh Tuấn cũng như của người dân Hawaii đốâi với du
khách bốn phương đến thăm hải đảo. Trên đường về khách sạn, anh Tuấn giới thiệu
sơ qua về Hawaii ..
Quần
đảo Hawaii nằm ở giữa Thái Bình Dương là một trong những đảo xa đất liền nhất
vì nó cách California hơn 4000 cây số, cách Nhựt 6000 cây số. Còn nếu muốn về tới
Việt Nam thì phải đi hơn 9000 cây sốâ. Hawaii cùng vĩ độ với thủ đô Mexico,
Cuba và Hà Nội. Có tổng cộng 137 đảo lớn
nhỏ nằm theo hương tây bắc – đông nam, nhưng chỉ có 7 đảo có người ở là
Niihau, Kauai, Oahu, Molokai, Lanai, Maui, Hawaii. Có đảo chỉ có 200 cư dân như
Niihau, có đảo là một đồn điền rộng lớn của hãng Dole Pineaple như đảo Lanai với
2000 cư dân. Đảo Hawaii còn gọi là Big Island là đảo lớn nhứt nổi tiếng với ngọn
núi lửa còn đang hoạt động là ngọn Kikauea và Mauna, thỉnh thoảng nổi giận thì
trào dung nham từ trong lòng đất ra và chảy tràn xuống biển. Tuy chỉ lớn hạng
ba trong quần đảo nhưng đảo Oahu, với 875.000 dân lại là trung tâm hành chánh
và du lịch của Hawaii. Ở đây có Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) và thủ phủ của đảo
là Honolulu.
Do
ở vùng nhiệt đới mà lại nằm giữa biển khơi nên khí hậu vùng Hawaii rất lý tưởng,
nhiệt độ trung bình chỉ trong khoảng 68-85 độ F (khoảng 24 độ C), mưa trung
bình 43 inches mỗi năm. Ở Hawaii thời tiết rất lạ, có khi mưa ở đây thì lại nắng
ở chỗ kia mà mưa ít khi kéo dài quá lâu. Do đó bạn sẽ không bao giờ bị thời tiết
làm thất vọng cho những ngày vui ở đây.
Do
mưa thuận gió hoà nên trên các đảo người ta trồng nhiều trái cây nhiệt đới,
nhưng nhiều nhứt là trái dứa, và cà phê,
sau đó là mía để làm đường. Tuy nhiên kỹ nghệ du lịch mới là nguồn lợi chính của
đảo vì hàng năm có hàng triệu người du lịch tới Hawaii để nghỉ ngơi, hay chơi
các trò chơi thể thao như lướt ván, đua thuyền, bơi lặn ...
Về
lịch sử, dân bản địa ở Hawaii chính là người Polynesian từ các đảo khác ở Nam
Thái Bình Dương tới. Nhà thám hiểm người Anh là Captain Cook đã tới đây (và ông
ta cũng chết ở đây trong một cuộc xung đột với dân bản xứ mà không biết lội ra
tàu). Năm 1795, vua Kamehameha từ đảo lớn Hawaii dùng thuyền đổ bộ lên Waikiki
thuộc đảo Oahu để tấn công tù trưởng ở đây là ông Kanalikupule. Với vũ khí tối
tân do sự giúp đỡ của người Tây Phương ông đã lập nên chiến công lẫy lừng khi đẩy
lui quân phòng thủ xuống bờ vực thẳm ở Nuuanu, mà ngày nay gọi là Pali Cliffs.
Vua Kamehameha được tôn xưng là Đại Đế đã thống nhứt các quần đảo dưới quyền chỉ
huy của ông và lập nên vương triều truyền kéo dài khoảng 100 năm. Năm 1893 đảo
quốc nằm dưới sự cai trị của nữ hoàng Liliuokalani, bà nầy hơi thân Anh nên bị
Hoa Kỳ lật đổ và Hawaii trở thành thuộc địa của Mỹ.
Nhưng
Trân Châu Cảng trở nên nổi tiếng chỉ sau trận tập kích của quân Nhật ngày
7/12/1941 làm chết 2390 người, 188 máy bay, 18 tàu chiến trong đó có hàng không
mẫu hạm Arizona. Trận nầy khiến hải quân Mỹ tê liệt trong nhiều năm và Mỹ đã
tham chiến trên chiến trường Thái Bình Dương cho đến khi kết thúc chiến tranh với
sự đầu hàng của Nhật năm 1945. Trận đánh nầy trở thành đề tài cho nhiều cuốn
phim như Tora – Tora đã chiếu tại Sài Gòn trước 1975, hay Trân Châu Cảng mới thực
hiện gần đây.
Năm
1959, Hawaii chánh thức trở thành tiểu bang thứ 50 của Mỹ.
Honolulu
cũng là nơi họp thượng đỉnh năm 1968 giữa hai chánh quyền VNCH (TT Nguyễn văn
Thiệu) và Mỹ (TT Johnson) lúc đó Mỹ đang ủng hộ VNCH hết mình. Không ai ngờ rằng
chỉ 7 năm sau miền Nam thất trận.
Về
người Việt ở Hawaii, anh Tuấn cho biết có khoảng 11000 người chiếm 1,5% dân số.
Đa số người Việt ở đây là nghề lái taxi, làm móng tay, sửa xe ... Bạn nghe dân
mình lái taxi thì chắc hơi khi dễ. Đừng lầm bạn ơi. Trước đây, khi taxi ở đảo
chỉ có 700 chiếc taxi thì một người làm nghề nầy có thể kiếm 7000 - 8000 đô một
tháng dễ dàng. Ngày nay, số xe có tăng lên thì họ cũng kiếm được 4000 - 5000 đô
một tháng. Một lợi tức không dễ kiếm trong thời đại củi quế gạo châu nầy.
Anh
Tuấn cũng giới thiệu thêm về những tour khác không có trong chương trình để nếu
du khách có thích thì anh sẽ giúp mua như tour đi tàu lặn xem cá, tour đi ăn tối
trên du thuyền và tour đi thăm Trung tâm văn hoá sắc tộc Polynesian (Polynesian
Cultural Center) ...
Khách
sạn nơi chúng tôi cư ngụ tên là Ohana Maile Sky Court là một khách sạn cao 44 tầng
nằm ở bìa Waikiki. Theo quảng cáo thì nói phải đi 3 dặm mới tới biển. Đó là họ
nói tới biển ở khu trung tâm. Thật ra, Waikiki tương đối nhỏ, từ con kinh Ala
Wai ra tới biển chỉ dài chưa tới môt cây số, còn chiều dài đông tây cũng chừng
ba bốn cây số mà thôi nên từ khách sạn nào ở đây đi bộ ra biển chỉ mất trên dưới
10 phút mà thôi. Phòng ốc ở đây hơi nhỏ nhưng sạch sẽ. Có máy lạnh, hộp an toàn
(safety box - để giữ giấy tờ tiền bạc, nhưng tính 3 đô một ngày), tủ lạnh, máy
làm cà phê. Tủ lạnh thì trống trơn chớ không có nước như ở các khách sạn 5 sao.
Điều nầy cũng tiện vì mình có thể mua nước,
trái cây hay các đồ ăn khác bỏ vô cũng tiện vì không chiếm chỗ. Trong
khách sạn còn có hồ bơi trên tầng 5 và một hồ tắm nước nóng (zacuzi). Sau khi nghỉ ngơi một chút và thấy còn sớm,
chúng tôi liền xuống đất để tà tà khám phá Waikiki.
Waikiki
về đêm:
Waikiki
trước kia là một khu đầm lầy, sau khi có con kinh thoát nước thì nơi đây phát
triển nhanh chóng. Toàn bộ khu nầy chỉ toàn là khách sạn và cửa hàng phục vụ du
lịch, không có dân cư. Cửa hàng ở đây nhiều nhứt là chợ ABC một kiểu chợ hàng
xén như 7 Eleven bên Cali. Chợ nầy bán nước, trái cây, đồ kỷ niệm, rượu ... giá
cả hơi mắc hơn một chút so với trong lục địa. Dọc con đường lớn là Kalakaua có
khá đông du khách. Trên các cột đèn là những chậu hoa tươi mát. Trên các thân
cây trướùc các khách sạn, dây đèn được quấn quanh toả sáng. Nhiều nơi lại đốt
đuốc tạo một vẻ sống động kỳ bí. Hôm nay
là ngày thứ hai nên sinh hoạt có vẻ chậm một chút nhưng tới cuối tuần, Waikiki
sẽ rất đông đảo, lúc nào cũng như ngày hội. Trước những khu mua bán, trong những
khách sạn văng vẳng tiếng nhạc, tiếng đàn làm cho lòng ta phơi phới, hân hoan
quên đi những nhọc mệt của những ngày làm việc căng thẳng. Du khách ở đây đa số
là người Nhựt. Họ được nhiều ưu đãi để tới đây như không cần visa, và tiếng Nhựt
hầu như rất phổ thông ở đây. Nhân viên khách sạn đều biết tiếng Nhựt, quảng cáo
in bằng tiếng Nhựt, tiệm ăn Nhựt ở khắp nơi... Hàng năm Hawaii tiếp đón trên 7
triệu du khách mà gần nửa số đó là dân Nhựt và Đại Hàn. Họ tới đây hưởng nắng ấm,
và mua hàng vì hàng hoá ở đây rẻ hơn bên Nhựt rất nhiều (nhưng vẫn còn mắc so với
trong nước Mỹ). Tuy nhiên xét về tuổi tác tôi thấy đa số du khách Nhựt là những
người trẻ 19, 20 hay là những cặp già 60, 70. Tuổi trung niên cũng có nhưng ít
hơn. Về mặt an ninh, nói chung ở Waikiki khá an toàn về đêm vì cảnh sát chìm ,
nổi rất nhiều. Hơn nữa, đảo cũng nhỏ, nếu làm nên tội thì trốn ở đâu ?
Đi
bộ chừng 10 phút chúng tôi đã tới trung tâm của Waikiki nơi có khu chợ quốc tế.
Chợ Quốc Tế (International Market Place):
Nằm
ở vị trí thuận lợi ngay giữa Waikiki, chợ nầy có tên là Chợ Quốc Tế nhưng những
gian hàng ở đây thường bán đồ kỷ niệm, quần áo, túi xách, giày dép ... phẩm chất
trung bình, giá cả nhẹ nhàng. Giữa lối vào chợ có một cây đa quá lớn. Gốc đa to
đùng, đường kính cũng phải 10 mét. Tàng
lá sum xuê che hết cả khu
chợ, đường kính có thể tới 40, 50 mét. Rễ đa mọc
thòng xuống khắp nơi. Tôi cứ say mê coi cây đa nầy mà tự hỏi không biết những rễ
phụ mọc xuống thành rễ như thế nào. Trước cây đa, người ta làm một thác nước
nhân tạo nhỏ nhỏ cho nước chảy xuống một cái hồ. Trong hồ có thả những con cá
Koi thật to đâỳ màu sắc. Hai bên lại trồng và treo nhiềâu hoa lan tạo ra một tiểu
cảnh xem rất thanh nhàn giữa chốn phồân hoa.
International
Market Place - Waikiki
Phía
sau chợ là khu ăn uống, ở đây lại có rất nhiều nhà hàng của đủ mọi sắc tộc: Nhựt
Hàn, Mễ, Hoa, Mỹ, Ý, Pháp ... Việt Nam có tiệm Saigon Express. Họ bán thức ăn
nhanh người mua đem ra bàn ngồi ăn dưới gốc đa. Một sân khấu được dựng lên.
Hàng ngày đều có ca nhạc miễn phí vào khoảng 8 giờ đêm. Tóm lại đây là một nơi
vui vẻ mà mọi du khách đến Waikiki đều nên ghé. Riêng bạn nào nhớ món ăn Việt
thì ráng đi thêm một chút nữa ra phía sau. Ở trên đường Kuhio có nhà hàng Việt
tên là Old Saigon có kiến trúc rất đẹp, thực đơn phong phú, mà giá cả lại vừa
túi tiền.
Tour
Trân Châu Cảng
Sáng
ngày thứ ba, chúng tôi bắt đầu đi tour đầu tiên là tour thăm Trân Châu Cảng.
Hôm nay hướng dẫn viên là anh Micheal (Hải). Anh biết nói nhiều thứ tiếng như
Hoa, Nhựt, Anh, Việt ... Đoàn du khách ở rải rác các khách sạn khác nhau nên phải
đi một vòng để đón. Có tất cả 11 người trong đó có hai cặp vợ chồng son từ bên
Texas đi hưởng tuần trăng mật, còn lại là dân Cali. Trong đoàn lại có một anh
làm nghề đại diện du lịch đi tham quan để biết mà giới thiệu với du khách sau nầy.
Cũng nhờ anh nầy mà chúng tôi được phục vụ tương đối chu đáo hơn. Chúng tôi phải
dậy sớm để tới Trân Châu Cảng (ở về phía tây Honolulu) khoảng hơn 7 giờ. Tới
nơi thấy người ta còn sớm hơn mình và xếp hàng dài dài từ ngoài cổng. Vé phát tự
do và chúng tôi có số 5 nghĩa là tới 9 giờ mới được lên tàu ra nơi tham quan.
Trong thời gian chờ đợi gần hơn một giờ, chúng tôi được anh Hải hướng dẫn qua
xem khu triển lãm những vũ khí hải quân như ngư lôi, hoả tiễn Polaris hay tàu
ngầm ở khu bên cạnh. Sau đó chúng tôi trở lại xem triển lãm và xem phim về trận
đánh Trân Châu Cảng, xin tóm lược như
sau:
Nước
Nhựt cuối thập niên 30 đã phát triển quá mạnh. Họ có 10 hàng không mẫu hạm,
hàng ngàn máy bay chiến đấu đủ để làm chủ chiến trường. Họ cần nguyên liệu từ
Mãn Châu, dầu hoả từ Á Châu nên lần lần đánh chiếm các nơi đó. Mỹ không muốn
như vậy. Hai bên còn đang điều đình tại Washington thì đùng một cái, sáng ngày
7 tháng 12 năm 1941 nhằm ngày chủ nhựt, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân
Châu Cảng đang còn ngái ngủ thì bị hàng trăm máy bay của Nhựt từ các hàng không
mẫu hạm tấn công làm chìm nhiều tàu chiến trong đó có hàng không mẫu hạm
Arizona bị trúng bom ngay kho vũ khí và chìm trong vòng 9 phút. Trên chiến hạm
lúc đó có khoảng 1500 binh sĩ làm việc, một số sống sót, nhưng gần 1200 người bị
chết cùng với tàu, xác của họ hiện nay vẫn còn trong tàu. Chánh phủ Mỹ đã xây dựng
một đài kỷ niệm ngay nơi tàu chìm để mọi người có dịp nhìn lại những kinh khủng
của chiến tranh làm bài học cho tương lai. Đây chỉ là phim tài liệu không phải
là phim hay, nhưng mọi người đều im lặng xem và hầu như ai cũng có một nỗi buồn
man mác.
(Đài tưởng niệm USS Arizona,xây nơi tàu chìm)
(Đài tưởng niệm USS Arizona,xây nơi tàu chìm)
Sau
khi xem phim, tàu của hải quân đưa khách ra tận nơi để có dịp nhìn ngay trên vị
trí chiếc hàng không mẫu hạm bị chìm. Mọi người im lặng tưởng niệm vì họ biết rằng
bên dưới vẫn còn xác của những người đã bỏ mình vì nước. Trên mặt nước trong những
váng dầu vẫn còn loang ra từ năm chục năm nay, đó là dầu từ kho chứa của hàng
không mẫu hạm nầy (dự đoán vẫn còn loang tiếp trong 100 năm nữa). Gần nhà kỷ niệm
Arizona có một chiến hạm to lớn là chiếc Missouri. Chiếc nầy là nơi Nhựt ký giấy
đầu hàng Mỹ năm 1945, nay đã đưa về đây triển lãm cho công chúng vào xem.
Từ
giã Trân Châu Cảng, anh Hải đưa chúng tôi tham quan thành phố Honolulu (khu
downtown) với những toà nhà chọc trời cao ngất. Đó là những toà nhà của chánh
quyền, nhà băng, văn phòng thương mại ...
Xe chạy ngang cung điện Iolani và tượng của vua Kamehameha, đáng lẽ
chúng tôi đi thăm chỗ nầy nhưng mấy bạn trẻ trên xe không hứng thú đề tài lịch
sử mà đòi đi Chợ Tàu mua trái cây nên anh Hải chở đi chợ Tàu. Tôi xin nói sơ
qua về hai địa điểm lịch sử nầy trước khi nói về chợ Tàu:
1. Cung điện Iolani:
đây là cung điện
hoàng gia duy nhứt trên nước Mỹ. Cung điện nầy xây năm 1882 dưới thời vua
Kalakaua theo kiểu Phục Hưng nhưng có lai đôi chút kiến trúc địa phương. Cung
điện nầy chỉ phục vụ cho vua Kalakaua và nữ hoàng Liliuokalani tới khi bà bị
người Mỹ truất ngôi năm 1893. Nơi đây là trụ sở của chánh quyền mới cho tới năm
1959 khi tiểu bang xây xong toà nhà Capitol và dời trụ sở qua đó thì người ta mới
bắt đầu trùng tu di tích nầy với 7.5 triệu đô la. Hiện nay hàng ngày đều có
tour để du khách vào thăm bên trong lâu đài.
Cung
điện Iolani
2. Tượng
vua Kamehameha
Tượng vua Kamehameha: tượng làm bằng đồng,
đối diện cung điện Iolani. Vua Kamehameha có công thống nhứt toàn quần đảo
trong khoảng cuối thế kỷ thứ 18 (1790-1810). Hàng năm tới ngày sinh nhựt của
ông vào tháng 11, người ta đeo vào bức tượng rất nhiều vòng hoa
"lei", và cung điện thì được trang hoàng rất đẹp
.
3. Chợ
Tàu (China Town):
Người Hoa đến Hawaii hồi thế kỷ trước để làm trong các đồn điền
dứa và mía ở đây. Chợ Tàu cũng lần lần được thành lập. Trong quá trình xây dựng
chợ nhiều lần bị cháy hoặc bị đốt (vì có dịch bịnh). Nhưng sau khi cháy thì lại
được xây lại. Chợ Tàu Honolulu không lớn như các nơi khác nhưng cũng có đủ nơi
bán thực phẩm Á Đông, tiệm đông y, tiệm vàng, nhà hàng, phòng mạch bác sĩ ...
Gía thực phẩm hạ hơn bên Waikiki nhưng vẫn còn cao hơn bên Cali. Một trái dừa
tươi 3 đô, một trái dứa to: 3 đô, một trái cốc 1 đô, chuối, đu đủ Hawaii ngon
và giá hay rẻ hơn Cali một chút.
Chợ
Tàu Honolulu
Khi
tới Hawaii hay bất cứ đâu, tôi hay thưởng thức trái cây địa phương. Ở Hawaii đu
đủ rất ngọt tuy hơi nhiều hột. Chuối sứ giống như chuối Long Khánh, cũng ngon,
nhưng thua chuối Mỹ Tho. Trước đây đi Hawaii người ta hay mua mít, nay ở Cali
có mít do người Việt trồng bên Mễ đem về có khi bán rẻ chỉ có 1 đô một pound,
mà mít Mễ ăn cũng không thua gì mít ở Việt Nam. (Mít ở Hawaii nghe nói bán tới
3 đô một pound).
Sau
khi mua trái cây chúng tôi được anh Hải đưa đi ăn trưa tại nhà hàng Annam Hale,
Chúng tôi cứ nghĩ là chắc ảnh kiếm chỗ dễ đậu xe hơn ở khu Chợ Tàu nhưng nhà
hàng nầy nấu ăn cũng rất khá, phục vụ nhanh, lại có máy lạnh mát mẻ dễ chịu. Một
bữa ăn trưa tính ra chưa tới 10 đô kể cả tiền tip. Như vậy là quý lắm rồi vì
khi đi xa ít khi có dịp ăn nhà hàng Việt thật đúng khẩu vị như ở nhà. Trước khi
đi một người bạn đã chỉ cho tôi là muốn ăn ngon thì phải đến China Town kiếm phở
Tô Châu nơi có nhiều người ngoại quốc cũng khen ngợi và sắêp hàng dài dài chờ tới
phiên. Đi du lịch không có thì giờ nhiều, nghe nói sắp hàng thì ngán lắm.
Ăn
xong đã quá ngọ, nhưng chương trình chưa hết. Anh Hải còn đưa chúng tôi trở lại
Waikiki đến tiệm nữ trang tên là Hawaii Jewelry Wholesale để mua nữ trang. Đó
là do công ty du lịch đặt trong chương trình. Tiệm nầy bán san hô đỏ, kim cương
Hawaii, và ngọc trai. Đó là những sản phẩm đặc biệt của đảo nầy. Nhìn chung nữ
trang cũng đẹp và giá cả cũng nhẹ nhàng chừng vài trăm đô mà thôi. Bạn có thể
trả giá ở đây. Theo kinh nghiệm nếu giá để 1000 đô bạn trả 400 thì mua được. Họ
có cấp giấy chứng nhận là hàng thật cho bạn để bảo đảm.
Mua
hàng xong, chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi để tối nay đi du thuyền.
4. Tiệc
tối trên du thuyền (Sunset Dinner Cruise):
Đây
là một tour ngoài chương trình, nếu bạn muốn đi thì có thể nhờ hướng dẫn viên
mua vé dùm. Riêng chúng tôi nhờ đọc quảng cáo trên các cuốn sách để đầy đường ở
Waikiki nên đến trực tiếp văn phòng du lịch tại Waikiki để mua. Họ nói một vé
40, mua một tặng một, nhưng sau khi cộng tiền đưa đón cũng hết 64 đô cho hai
người. Đúng 4 giờ rưỡi, xe đón chúng tôi đến bến tàu số 4 gần Ahola Tower. Trước
khi lên tàu mỗi gia đình đều được chụp ảnh kỷ niệm. Du thuyền nầy có tên là Ali
Kai, tối hôm nay tiếp đón khoảng trên dưới 300 du khách. Ngay từ trên bờ, đã
nghe tiếng nhạc réo rắt từ tàu vọng lên làm náo nức tâm hồn. Ở ngay lối vào,
hai cô gái đang múa điệu Hula để chào đón. Đúng 5 giờ 15 tàu từ từ khởi hành ra
biển để chạy dọc bờ biển Waikiki, từ Aloha Tower về phía Dimond Head để du
khách ngắm cảnh mặt trời lặn trên biển Hawaii. Mỗi người tự chọn lấy thức
ăn gồm các món rau, thịt, cá, khoai tây
nghiền, trái cây, bánh ngọt ... Nhìn chung thì thức ăn chỉ ở mức trung bình,
không ngon không dở. Mỗi người được phát một phiếu đểâ nhận thức uống. Phải trả
thêm tiền nếu muốn uống thêm rượu hay một loại nước uống chứa trong một trái
thơm khoét rỗng ruột (món nầy giá 9 đô).
Trong khi ăn thì ban nhạc chơi những bản nhạc địa phương . Sau hơn 45 phút, trời
cũng vừa tối, tiệc vừa tàn, một số khách lên tầng trên để ngắm cảnh và chụp
hình. Bên trong thành phố, đèn đã thắp sáng, tàu cũng chuẩn bị quay lại. Trở lại
chỗ ngồi, thì khoảng giữa tàu đã được dọn dẹp chuẩn bị cho chương trình văn nghệ.
Ban văn nghệ cũng gồm các nhân viên phục vụ của tàu. Họ múa những điệu múa của thổ dân Hawaii, các chàng trai ở trần
nhưng múa rất dẻo, các cô gái đeo những tua chung quanh bụng và lắc theo sắc
thái của địa phương. Mọi người hình như đã có hơi men chếùnh choáng nên cùng
tham gia cacù sinh hoạt tập thể theo hướng dẩn để cùng hò hét, dậm chân tạo nên
những âm thanh đầy naó nhiệt. Du khách còn được mời ra tham gia múa chung với
các diễn viên khiến cho không khí thật vui vẻ, cởi mở.
Sau
hai tiếng thì tiệc tàn, tàu về bến cũ, mọi người được hướng dẫn ra xe buýt để
đưa về khách sạn. Trên xe, người ta bán tấm hình đã chụp hồi chiều với giá 15
đô một tấm sở 5x7 lồng trong khung giấy có in hàng chữ Hawaii. Ai mua thì mua,
không mua thì thôi. Tấm hình chỉ đáng giá 2 đô, và chunùg tôi có máy để chụp
hàng chụp tấm khác đẹp không kém, nhưng chúng tôi cũng mua 15 đô, coi như tiền
trà nước cho một đêm đáng nhớ trên du thuyền Ali Kai - Hawaii.
5. Tour
vòng nhỏ (Mini Circle Island):
Sáng
ngày thứ tư, chúng tôi tiếp tục tham quan theo chương trình là "Tour mini
circle island". Đây là tour tham quan vùng bờ biển phía đông của đảo Oahu.
Đúng 8 giờ xe của công ty du lịch và anh Hải đã đến đón chúng tôi. Xe chạy về
phía đông qua khu sở thú Hawaii và công viên Kapiolani về hướng ngọn Diamond
Head. Ngọn núi nầy ở phía đông Waikiki chính là một ngọn núi lửa, trên đỉnh còn
có hình phễu là miệng núi lửa. Nếu có thì giờ và sức khoẻ, bạn có thể đi bộ lên
tận đỉnh để ngắm nhìn toàn cảnh kỳ thú của đảo Hawaii. Nhưng người ta khuyên là
nên đi khi trời vừa sáng, đến nơi sẽ không bị nóng, nếu chờ trưa thì trên đó sẽ
khá nóng vì ít bóng cây.
Xe
men trên sườn núi lên cao dần tới một điểm ngắm cảnh. Ở đây đã cao rồi nên tầm
nhìn cũng khá xa. Bên dưới, xa xa nhiều tay lướt sóng đang biểu diễn nhào lộn.
Phía đông là một bãi tắm nho nhỏ kín đáo mà theo anh hướng dẫn đó là nơi người ta
thường tắm không mặc quần áo vào những buổi chiều tà.
Tiếp
tục lên đường, anh Hải giới thiệu chúng tôi một khu sang trọng với những ngôi
nhà thuộc loại đắt tiền (trên dưới một triệu). Đó là nhưng ngôi nhà trên sườn đồi
nhìn ra biển (ocean view) hay những ngôi nhà mà phía trước là đường, phía sau
là biển (ocean front). Nhìn chung, nhà ở đây tuy mắc nhưng to lớn và đẹp đẽ thì
còn thua xa ở Hollywood, Bell Air, Malibu, hay Palos Verdes, nơi chỉ có những
"đại gia" như bác sĩ, luật sư, tài tử điện ảnh giaù có mới đủ tiền
mua nổi những căn nhà to lớn và sang trọng.
Vòng
lại xa lộ phía đông, chúng tôi đi chừng 20 phút thì tới Hanauma Bay một thắng cảnh
nổi tiếng của vùng nầy. Đây là một bãi biển hình vòng cung vốn là miệng núi lửa
bị sụp hết một bên phía biển. Trên sườn núi nếu tưởng tượng một chút, bạn sẽ
nhìn ra hình dạng một con khủng long đang nằm yên hưởng gió biển. Có rất nhiều
xe đưa khách du lịch tới tắm biển nầy. Nhưng điều đặc biệt ở đây (và chắc chỉ
có duy nhứt ở Hawaii mà thôi) đó là du khách đi tắm biển bằng xe đám cưới
(limousine). Hàng chục xe nầy đang nối đuôi chờ vào bãi đậu. Bãi đậu xe rất nhỏ
nên phải có xe ra mới cho xe vô. Chúng tôi chỉ đứng ngắm cảnh từ trên cao khoảng
50 mét so với mặt biển. Eo biển nầy trông rất bí ẩn . Nó hình vòng cung núp kín
giữa hai sườn núi đông và tây. Trên bờ có một số cây dừa tạo cho nơi đây thêm
thơ mộng. Biển hình như rất cạn vì tôi thấy lờ mờù san hô ở dưới đáy. Người ta
tới biển nầy không phải để tắm (vì không có sóng) mà để coi cá. Do đó ai cũng
trang bị ống thở, mặt nạ, và chân vịt để mang vô chân mà bơi. Một người bạn của
chúng tôi có dịp tắm ở đây cho biết có rất nhiều cá đẹp và to lớn ở biển nầy.
Muốn tới đây, từ Waikiki bạn có thể đi xe buýt số 22, hay mua vé đưa đón chỉ
khoảũng 10 đô một người. Tuy nhiên theo anh Hải, nên tới sáng sớm để ít nắng và
ít nóng. Trước đây thì được tắm miễn phí. Ngày nay chánh phủ muốn có thêm tiền
để bảo trì và hạn chế sự hư hại của nơi đây nên thâu tiền vô cửa mỗi người là 5
đô. Tóm lại đây là một viên ngọc quý của du lịch và thiên nhiên Hawaii mà bất cứ
ai đến Hawaii cũng nên đến xem một lần cho biết, và nếu có điều kiện để xuống tắm
chung với cá thì thật là tuyệt vời.
Vì
thiếu chỗ đậu xe nên người ta quy định ở đây chỉ được ngắm cảnh nửa tiếng mà
thôi nên chúng tôi luyến lưu tiếp tục lên đường. Xe ra đường lớn trở lại, lúc nầy
bạn cần chú ý vì ta sắp tới một đoạn đường quanh co rất đẹp. Một bên là sườn
núi, một bên là biển xanh sóng vỗ rì rào. Qua hết đoạn đèo nho nhỏ nầy, xe ngưng
lại tại một điểm ngắm cảnh khác là Halona Blow Hole (Lỗ Thổi Halona). Đảo
Hawaii tạo ra do núi lửa. Có khi dung nham phun trào lan ra tới tận biển như ở
đây. Đá nguội dần, và theo thời gian lại bị phong hoá là xói mòn thành lỗ. Bên
dưới là một lỗ trong đá ăn luồn xuống tới biển. Mỗi khi sóng lớn, nước đi luồn
trong đá rồi phun lên từ lỗ nầy (giống như ở Yellow Stone) trông rất ngoạn mục.
Trên thế giới chỉ có vài ba nơi là có Blow Hole giống như ở Hawaii nầy. Đó cũng
là một kỳ công của tạo hoá.
Tiếp
tục lên đường, chúng tôi đi ngang Sandy Beach, một bãi biển đẹp, có sóng to gió
lớn nên chỉ tiện cho những người chơi lướt ván. Sau đó xe lại ngừng ở một bãi
biển đầy đá đen của núi lửa để chúng tôi dạo chơi nghỉ chân và hưởng gió biển.
Sau
khi ngắm các cảnh trí đẹp đẽ của vùng biển, trên đường về, chúng tôi theo xa lộ
H3 lên cao dần đi ngang một dãy núi để ghé thăm một thắng cảnh nổ tiếng khác của
Hawaii là Pali Lookout (Nơi ngắm cảnh Pali). Từ xa lộ xe vào đường nhỏ. Đó là một
con đường tuyệt đẹp hai bên cây cối xanh tươi, che phủ gần hết bên trên mặt đường.
Hawaii thuộc vùng nhiệt đới lại có mưa
nhiều nên cây cối phát triển rất tốt. Từ bãi đậu xe tới nơi ngắm cảnh rất gần.
Đây là một sườn núi, từ đây nhìn xuống thành phố Kaneohe ở phía dưới rất là
xinh đẹp. Xa xa biển và núi liền nhau ở cuối chân trời. Nếu bạn chú ý sẽ thấy
biển có ba màu, gần bờ màu trắng ngà, rồi
vàng sau đó mới có màu xanh. Có lẽ do màu cát ở bãi biển mà ra.
Pali
lookout nầy có một sự tích lịch sử. Nơi đây là nơi mà vua Kamehameha từ bên đảo
lớn qua đây đánh dồn quân của đối phương (tức là dân quân địa phương) khiến cho
họ rơi xuống vực thẳm mà chết hàng trăm người. Chiến công nầy của ông ta đã chấm
dứt chiến tranh và giúp ông thống nhứt quần đảo lập nên một triều đại kéo dài cả
trăm năm ở Hawaii.
Nhìn
chung tour sáng nay rất đáng " đồng tiền bát gạo", chúng tôi đã đi
chơi từ dưới biển rồi lên nuí. Ở đâu cảnh trí cũng xinh đẹp tuyệt trần. Thời tiết
cũng không phụ lòng người hâm mộ với nắng ấm, trời xanh giúp cho chúng tôi có
những tấm ảnh kỷ niệm rất đẹp.
Tắm
biển Waikiki: tới Hawaii đã hai ngày nhưng chương trình bận rộn nên chúng tôi
chưa có dịp tắm biển cho tới chiều nay. Mới hơn hai giờ trưa là chúng tôi đã có
mặt tại khu biển trung tâm, gần trạm cảnh sát Waikiki. Trên bờ biển là một công
viên với nhiều hàng dừa giống như ở Nha Trang. Ở đó có băng ghế để du khách ngồi
nghỉ ngơi ngắm cảnh, có những tiểu cảnh như thác nước, tượng danh nhân ...
khung cảnh rất mát mẻ và đẹp mắt. Bãi cát tương đối hẹp chỉ vào khoảng 10 mét
nên tuy còn rộng rãi vào mùa nầy nhưng tới mùa cao điểm như các tháng 7, 8 thì
người ta nằm tắm nắng đầy nghẹt không có chỗ đi lại. Cách bờ khoảng 50 mét có một
con đê thấp bằng đá để chắn sóng và làm cho lòng biển phẳng lì. Nước chỉ cao
ngang bụng nên tắm rất an toàn . Bà xã tôi thích nơi đây lắm và chỉ yêu cầu được
tắm ở đây mấy lần sau vì ở đây tắm không mệt mà nền biển là cát nên không đau
chân (ở Waikiki có nhiều bãi tắm có nền đá, bước lên khá đau chân). Cát vàng mịn,
biển xanh, nước trong vắt và ấm áp nên chúng tôi có những lần tắm biển ở đây rất
thú vị. Có điều lạ là hầu như rất ít cá hay các loại thú nhỏ như con dã tràng
hay các loại sò ốc mà tôi hay thấy trên bãi biển Vũng Tàu, Nha Trang .. Sau khi
nói về thiên nhiên, cũng xin nói một chút về con người. Du khách tắm biển ở đây
đa số là người Nhựt, một số trẻ, một số trung niên đi với gia đình. Chắc các bạn
lại thắc mắc là thiếu nữ Nhựt có đẹp không ? Xin trả lời ngay là các cô tuy da
trắng và dáng người thanh mảnh nhưng ít nẩy nở so với người Âu nên không hấp dẫn
cho lắm. Ở biển nầy có một cô Mỹ làm nghề cấp cứu (life guard). Cô nầy chắc có
tập thể thao nhiều nên thân hình cân đối, khuôn mặt dễ nhìn khiến cho tôi hay
bơi lội gần tháp canh để ngắm cô ta (chớ không phải sợ chết đuối đâu nhé). Chiều
ngày gần về chúng tôi lội bộ ra một bãi biển khác gần khách sạn hơn (về phía
tây Waikiki) thì thấy ở đó có rất nhiều du khách từ lục địa ra, và họ đẹp hơn
những người tắm hôm nay rất nhiều.
Sau
hai giờ bơi lội chúng tôi đi xe buýt ra khu cảng Honolulu để thăm Aloha Tower
và khu mua sắm Aloha Market Place.
Tháp
Aloha
Tháp
được xây năm 1926, cao 55 mét gồm có 10 tầng có thể nhìn thấy từ ngoài xa 20 dặm.
Đây là điểm để đón tiếp các tàu thuyền ngày xưa. Khi tàu cặp bến sẽ có những
ban nhạc và các thiếu nữ choàng các vòng
hoa cho du khách tại đây. Ngày nay do khách tới bằng máy bay nên tháp hết có
nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng được tu bổ như một danh thắng của địa phương. Bạn
có thể đi thang máy lên tới tầng 10 để nhìn toàn cảnh chung quanh mà không tốn
tiền. Khi chúng tôi tới đó thì hết giờ làm việc (chỉ mở cửa tới 5 giờ chiều)
nên hụt mất chuyện nầy. Bên cầu tàu số 10 một chiếc cruise ship mang cờ hiệu của
nước Na Uy đang cặp bến. Nhìn chiếc tàu mà thấy kinh khủng cho công trình của
con người vì nó to lớn hết sức tưởng tượng. Tàu cao chừng mười tầng lầu và dài
chừng hai lần một sân bóng đá.
Ngắm
cảnh cảng một hồi chúng tôi vào khu mua sắm Aloha (Aloha Market Place). Đây là khu
mua sắm sang trọng có tiệm bán hàng kỷ niệm, tiệm nữ trang, nhà hàng ... trang
trí trông thật lộng lẫy và đẹp mắt. Ngoài ra, gần đó lại có bảo tàng viện về hải
hành nơi trưng bày tàu cổ, dụng cụ đi biển ... gọi là Hawaii Maritime Museum.
7. Tour
vòng lớn (đi xe buýt):
Sáng
ngày thứ năm, chúng tôi sẽ đi xe buýt để tham quan một vòng đảo phía bắc và
phía đông. Có nhiêù công ty tổ chức tour nầy, giá cả cũng rẻ nhưng mất nhiều thời
giờ hơn vì họ ngừng tại các điểm ngắm cảnh để du khách thưởng thức. Đi một tour
như vậy có thể mất cả ngày. Vì ít thời giờ nên chúng tôi đành đi chơi bằng xe
buýt. Xe buýt ở Hawaii rất tiện lợi. Mỗi lần lên xe thì trả 2 đô la và lấy một
tờ "transfer" để có thể đổi qua xe khác trong vòng hai tiếng sau đó.
Từ
Waikiki, chúng tôi đón xe số 8 đi trạm chính Ala Moana, cách Waikiki chừng 15
phút đi xe. Sau đó sẽ đón xe số 52 chạy vòng quanh đảo trong bốn tiếng đồng hồ.
Từ Ala Moana, xe sẽ đi qua khu downtown với những toà nhà chọc trời, sau đó xe
vào xa lộ H2 để đi về hướng tây bắc. Sau khi ghé vào mấy khu dân cư để trả hay
đón thêm khách xe đi ngang đồn điền Dole là một nơi trồng rất nhiều trái khóm
(thơm). Khoảng 10 cây số, toàn là rẫy thơm. Đất Hawaii là đất đỏ do núi lửa
phong hoá nên rất tốt. Trồng trọt cần rất ít phân bón mà trái thơm nào cũng rất
to. Qua khỏi đồn điền, xe chạy vào đường số 99 để đi dọc bờ biển Waialua. Từ
đây phong cảnh đẹp dần, nhứt là khi ngang qua bãi biển Sunset nơi có nhưng đợt
sóng rất lớn và rất cao vỗ mạnh vào bờ đá. Vào mùa đông từ tháng 11 tới tháng
2, sóng có thể cao khoảng 3 tầng lầu là thường. Sóng lớn ở đây phát sinh từ những
cơn bão ở xa Hawaii hàng ngàn dặm truyền tới. Nó làm cho các tay chơi lướt sóng
rất thích và đến chơi ở đây. Thật ra, trò chơi nầy cũng rất nguy hiểm, hàng năm
đều có người bị thiệt mạng.
Biển
Sunset - Oahu
Sau
hai tiếng xe đã chạy hết vòng bên phía tây và đang vòng về từ bên phía đông đảo
Oahu gọi là khu Windward (chắc là nơi có nhiều gió). Phía bên đây ít sóng hơn,
nhưng có rất nhiều bãi biển liên tục,
bãi nào cũng đẹp vì có những hàng dừa, hàng dương trông mát mẻ, và thơ mộng.
Tuy nhiên các bãi biển hôm nay trông rất vắng vẻ, hầu như không có ai tắm hết.
Chắc là tại đã khá xa. Từ trung tâm Honolulu tới đây cũng hết gần hai tiếng lái
xe. Biển vắng như vậy nên ở đây về đêm cũng không an toàn cho lắm. Dọc bờ biển
nầy, xe buýt chạy khá nhanh vì ít trạm đón khách. Tôi có cảm giacù như mình
đang đi dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi núi và biển giao hoà, nơi có nhiều
cây xanh, gió mát. Sau khi vào xa lộ H3, một xa lộ đẹp vì chạy vòng trên triền
núi, xe trở lại Honolulu đưa chúng tôi về bến cũ sau 4 giờ du ngoạn ngắm cảnh.
Có một điều trở ngại khi đi chuyến nầy là xe mở máy lạnh nhiều quá nên chúng
tôi bị lạnh (vì không biết nên không đem theo áo khoác) do đó việc ngắm cảnh
cũng bớt hứng thú. Nói chung, đi chơi như vậy là để giết thì giờ, cũng như để
biết cuộc sống của người dân Hawaii giàu và nghèo chớ nếu đúng ra nên đi theo
tour có người giới thiệu thì chắc sẽ hay hơn.
Xuống
xe chúng tôi vào khu mua sắm Ala Moana để nghỉ ngơi và shopping. Khu nầy có các
tiệm sang trọng như trong lục địa. Có một khu bán thức ăn các nước như Mỹ, Tàu,
Mễ, Ý... mùi xào nấu bốc lên thơm ngào ngạt. Nhưng món mà bà xã tôi mê nhứt ở
đây lại chính là nước sinh tố xay trực tiếp với những trái cây miền nhiệt đới của
đảo Hawaii như chuối, thơm ...
Chiều
nay, chúng tôi lại ra Waikiki tắm biển. Chúng tôi không đi xa vì có hẹn với một
người bạn ở Hawaii để đi ăn tối.
Đúng
7 giờ, bạn B. đón chúng tôi tại khách sạn để đi nhà hàng. Bạn đãi chúng tôi một
bữa thịnh soạn với các thức ăn kiểu Mỹ và Ý. B. định cư ở Hawaii hơn 20 năm rồi,
anh ta là kỹ sư điện và lo về điện lực cho toàn đảo. Cuộc sống gia đình anh
sung túc, ổn định và hạnh phúc. Chúng tôi cùng học một lớp ở đại học. B. vượt
biên đến Mỹ những năm 80. Sau nhiều cố gắng anh đã thành công trên xứ người và
có một địa vị vững chắc như ngày nay. Rất đáng mừng cho một người bạn tốt.
Ngày
cuối cùng của chuyếùn đi chúng tôi có nguyên ngày tự do nhưng là ngày chót nên
chúng tôi dậy sớm để đi xem biển.
Chúng
tôi dậy sớm rồi đi bộ tà tà ra biển để
ngắm bình minh. Té ra, biển quay về hướng nam, mặt trời mọc ở hướng tây sau núi
Diamond Head nên không thấy "banh nổi trên mặt nước" như ở Việt Nam.
Nhưng buổi sáng ở Waikiki yên tĩnh. Một số du khách dậy sớm đi bộ tập thể dục.
Một số khác đang tắm biển . Không khí thật mát mẻ và trong lành. Ngoài xa, một
vài chiếc tàu đang di chuyển, không biết sẽ đi về đâu. Trời sáng dần, trước đây
tôi không tính sẽ tắm biển sáng nay nhưng nghĩ lại mình chỉ còn dịp nầy để ngâm
nước nên quyết định sẽ tắm biển thêm một lần nữa. Biển sáng hơi lạnh một chút
nhưng ít nắng nên tắm cũng tốt lắm vì không sợ cháy da.
Tới
10 giờ chúng tôi về lại khách sạn để thay đồ và phải trả phòng khách sạn trước
12 giờ trưa . Người ta sẽ đón phi trường lúc 6 giờ nên chúng tôi gởi hành lý lại
khách sạn để đi thăm Bồn cá Waikiki (Aquarium) và mua sắm đồ kỷ niệm vào buổi
chiều trước khi về Cali.
Một
trong những bồn cá Waikiki:
Bồn
cá Waikiki: Để đi xem bồn cá chúng tôi đi xe buýt số 2 (hoặc xe số 19, 20 cũng
được). Thật ra, chỗ nầy gồm nhiều bồn cá nhỏ mà cái nào cũng có nhiều cá đủ màu
sắc rất đẹp. Lạ nhứt là những bồn nuôi san hô đủ loại đang nhúc nhích di động.
Đi thăm nơi đây tôi mới biết san hô không phải là đá hay thực vật là một loài động
vật nhỏ bé rất hữu ích cần phải được bảo vệ. Chúng tạo ra đá bảo vệ bờ biển,
chúng tạo ra nguồn thức ăn cho các loại cá khác. San hô là nơi có nhiều sinh vật
khác sống bám vào đó. Ngoài ra, ở đây
còn có những bồn cá lớn nuôi cả cá mập hay một bồn khác nuôi cá ngựa, lươn biển
...
Thăm
bồn cá chừng hai tiếng chúng tôi trở lại Waikiki để đi mua sắm tại
International Market Place và một vài nơi khác sau đó qua bên kia đường để trở
lại hóng gió và ngắm bãi biển Waikiki một lần nữa. Ngồi rảnh rỗi trên băng đá
trong một công viên dọc bờ biển tôi thử
tính xem những nơi chính mà mình còn chưa đi trong chuyến du lịch nầy. Đó là:
Trung
tâm văn hoá Polynesian: nơi có "làng" của 7 sắc dân Polynesian là
Tahiti, Tân Tây Lan, Fiji, Samoa, Hawaii, Tonga, Maori ... họ sinh sống từ Tân
Tây Lan tới đảo Phục Sinh, từ Hawaii tơí các đảo ở nam Thái Bình Dương như
Tahiti, Fiji ... vào làng ta sẽ được xem cuộc sống của thổ dân ngày xưa. Ta sẽ
xem họ làm giấy từ vỏ cây, xem họ lột một trái dừa trong 30 giây và đập bể ra
làm hai phần chỉ với một cục đá nhỏ ... Đêm đến thì sẽ ăn tối và sẽ xem show
văn nghệ Polynesian đầy hấp dẫn.
Sea
World Life: giống như Sea World San Diego nơi có các show cá heo và xem đời sống
các sinh vật dưới biển.
Tour
tàu ngầm Atlantic: đi tàu ngầm ra xem san hô, xem cá hay xem các chiếc tàu bị
chìm ngoài khơi Honolulu.
Chiến
hạm Missouri: còn có tên là "Mighty Mo". Chiến hạm to lớn bằng ba sân
bóng đá, cao tương đương một toà nhà 20 tầng. Trên có những khẩu thần công loại
400 mm bắn đạn nặng 2700 pounds đi xa tới 30 cây số. Đã chiến đấu từ chiến
tranh thế giới thứ hai cho tới chiến tranh vùng Vịnh.
Chiến hạm Misouri, oanh liệt một thời, nay mở
cửa cho du khách vào xem
...
và còn biết bao nhiêu điều hấp dẫn khác mà Hawaii cống hiến cho du khách nếu có
thời giờ. Mãi suy nghĩ thì đã 5 giờ. Chúng tôi phải trở lại khách sạn để chuẩn
bị trở về.
Có
câu tục ngữ rằng: Ngày buồn thì dài lê thê, còn ngày vui thì lại qua nhanh. Mới
đó mà 5 ngày ăn chơi của chúng tôi đã mãn. Gần 6 giờ ngày thứ sáu, xe của công
ty du lịch đến đón chúng tôi ra phi trường về Cali. Máy bay cất cánh đúng 9 giờ.
Trên máy bay, nhờ có viên thuốc chống say sóng tôi ngủ li bì. Tỉnh ra, thì máy
bay đã về tới đảo Catalina ngoài khơi Los Angeles và đang chuẩn bị đáp xuống
phi trường. Mới 5 giờ rưởi sáng, chúng tôi đi taxi về nhà, khi trả tiền mới bật
ngửa vì tiền xe lên giá gần 50%. Vì đi ban đêm và giá xăng đang lên khủng khiếp
?. Thực tế đã trở lại sau những ngày du lịch quên đời đầy thú vị và thơ mộng tại
Hawaii ...
(10/2004)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét