Nhãn

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Chùa Hội Khánh : Ngôi chùa cổ nhất Bình Dương - TÒ HE ( từ YUMe)


Hội Khánh - Ngôi chùa cổ nhất ở Bình Dương
Tôi vẫn thường hay đi dọc những con đường uốn lượn quanh Thủ Dầu Một để tìm lại dấu xưa nơi vùng đất đã hơn 300 năm tuổi. Cánh hoa dầu xoay trong gió chiều, khi nắng cuối ngày đang khuất dần sau những ngôi nhà cổ. Những mái đình phủ đầy rêu phong đã tồn tại hàng trăm năm như ghi lại một thời cha ông mang gươm đi mở cõi. Trên một ngọn đồi con giữa thị xã sầm uất, chùa Hội Khánh cổ kính vẫn lặng lẽ chứng kiến bao sự thăng trầm đổi thay của vùng đất Thủ. Có lẽ, đây là ngôi chùa cổ nhất và có lối kiến trúc tiêu biểu của xứ Đàng trong ở Bình Dương.
Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (dòng Lâm Tế) khai sơn năm 1741, đời vua Lê Hiển Tông. Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm vẫn được bảo tồn lưu giữ cho đến nay.
                     

Chùa Hội Khánh - kiến trúc tiêu biểu của xứ đàng trong
 
Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát. Giá trị mỹ thuật của các tượng này cao hơn hẳn so với các tượng cùng đề tài có cùng niên đại. Ngay cả thế hệ tượng thứ hai ở các chùa chiền xứ Sài Gòn - Gia Định cũng không có tượng nào so sánh được. Chỉ riêng bộ tượng La Hán này cũng đủ để khẳng định giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ của người thợ Thủ.


 
Nếu đi dọc bên ngoài ngôi chùa, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những kiến trúc tiêu biểu của phong cách chùa chiền ở xứ Đàng trong. Đó chính là việc dùng miễn sành để đắp nổi các hoa văn. Cổng chùa Hội Khánh cũng vậy, các người thợ Thủ đã tạo tác làm nổi rõ tính hình khối bề thế của kiến trúc thay cho nét chạm trổ trau chuốt tỉ mỉ của cánh thợ miền Trung hay Bắc. 


Cổng chùa được đắp nổi tinh xảo đã rêu phong theo thời gian.

..



Nền chùa lót lại bằng gạch bông đã làm bớt đi phần nào vẻ cổ kính của một ngôi chùa cổ



Và là nơi có tượng Phật nhập Niết bàn lớn nhất VN….
Đối diện ngôi chùa cổ là một Phật đài quy mô lớn, đồng thời cũng là Trung tâm Văn hóa Phật Giáo tỉnh Bình Dương. Phật  đài là  dãy nhà có chiều dài 64m, bên trên tôn trí một đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn dài 52m, cao 12m được an vị trên độ cao cách mặt đất 24m giữa khu rừng dầu, sao gợi liên tưởng đến hình ảnh Phật Thích ca nhập Việt  trong rừng Tala Song Thọ cách đây trên 2.500 năm. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn, quanh tượng Phật còn được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương. Công trình đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn, với 52m chiều dài, đã xác lập kỷ lục Guiness là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Tượng phật Thích Ca nhập niết bàn



Khi những tia nắng khuất dần sau tán cây dầu cổ thụ, ráng chiều ánh lên một màu hồng rực rỡ, len qua những mái ngói rêu phong. Những chiếc lá vàng theo gió rụng tơi tả nghe như tiếng thời gian vọng về giữa không gian u tịch. Thơ thẩn trong chiều, để tìm về những ngày xưa cha ông đi mở đất mà nghe trong lòng niềm hoài cổ khôn nguôi…
Mùa thu 2011
 Tò He

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét