Nhãn

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Nghề làm móng tay của người Việt ở Mỷ-người đở đầu cho nghề nail :Tippi Hedren



Cuối tháng 9 năm 2013 tổ chức không vụ lợi Beauty Changes Lives thuộc hội American Association of Cosmetology Schools trong một buổi tiếp tân tại Beverly Hills, Nam Cali, đã vinh danh nữ tài tử Tippi Hedren, 83 tuổi, người đã có công giúp đỡ và qua đó giới thiệu nghề làm móng đến cộng đồng di dân gốc Việt, đặc biệt ở California, từ giữa năm 1975 để từ đó một kỹ nghệ mới ra đời: kỹ nghệ làm móng tay và chân. Làm móng vốn trước kia chỉ là một dịch vụ dành cho giới khá giả và các tài tử Hollywood, thì nay, nhờ sự tham dự của đông đảo người di dân gốc Việt, dịch vụ làm móng tay đã trở thành thông dụng nhờ giá cả bình dân, có khi chỉ giá 15 Mỹ kim một bộ, so với khoảng 60 Mỹ kim vào thập niên 1970.
Theo tạp chí Nails, người Việt hiện chiếm 80 phần trăm số người hành nghề có bằng tại California, và 45 phần trăm trên toàn quốc Hoa Kỳ. Vì số người Việt đông đảo trong nghề mà tạp chí này hiện có cả ấn bản bằng Việt ngữ, tên là Việt Salon. Với trên 300,000 người trong nghề thẩm mỹ, kỹ nghệ này có một số thu ước tính khoảng 7.3 tỉ Mỹ kim vào năm 2012.
Cùng có mặt trong buổi sinh hoạt vinh danh tài tử Tippi Hedren, ngôi sao của phim “The Birds” (1963) của cố đạo diễn tên tuổi Alfred Hitchcock, bên cạnh các khách Mỹ, là nữ tài tử Kiều Chinh, bạn thân của bà Tippi, Bác sĩ Nguyễn Tâm, giám đốc Advance Beauty College tại Garden Grove, và nhiều khách Việt khác trong và ngoài ngành làm móng tay và cung cấp vật liệu liên hệ.

 
 Nữ tài tử Tippi Hedren, phải, đang ngắm nghía pho tượng do Beauty Changes Lives trao cho bà để vinh danh bà như bà mẹ đỡ đầu cho ngành nail của người Việt hải ngoại do đã có công hướng dẫn và bảo trợ cho một nhóm 20 phụ nữ Việt tị nạn đầu tiên theo học ngành này vào năm 1975. Từ trái, anh Nguyễn Tâm, giám đốc trường thẩm mỹ Advance Beauty College tại Garden Grove, một thành viên của American Association of Cosmetology Schools; Lynelle Lynch và Jan Arnold thuộc tổ chức Beauty Changes Lives. 


 Từ trái, chị Lê Đồng Thị Thuần, một trong 20 người đầu tiên được bà Tippi Hedren bảo trợ cho theo học ngành làm móng; nữ tài tử Kiều Chinh; bà Tippi Hedren; và Triều Giang Nancy Bùi của hội Vietnamese American Heritage Foundation có mặt để thu hình buổi vinh danh cho cuốn phim tài liệu Vietnamese Americans’ Journey to Freedom đang trong thời kỳ ráp nối. (Ảnh Trùng Dương)
Ngược dòng thời gian
Chị Lê Đồng Thị Thuần, một trong 20 người được nữ tài tử Tippi Hedren hướng dẫn và tài trợ theo đuổi nghề làm móng tay từ những ngày mùa hè năm 1975, còn nhớ rất rõ thuở ban đầu gặp gỡ với bà Tippi ở trại tị nạn Hope Village ở Weimar, Bắc Cali, cách Sacramento 45 miles về phía đông bắc.
Hồi ấy, cách đây 38 năm, bà Tippi là một thành viên của hội thiện nguyện Food for the Hungry của cố Đại tá Larry Ward. Trại Hope Village được thành lập trên một ngọn đồi thông tại những toà nhà nguyên là một nhà thương phục hồi cho bệnh nhân bị lao, nơi chứa khoảng 600 người tị nạn Việt đến từ nhiều trại tị nạn khác của quân đội Mỹ. Food for the Hungry hồi ấy quan niệm nếu tách một nhóm vài trăm người tị nạn ra khỏi các trung tâm tị nạn thiết lập tại một số căn cứ quân sự như Camp Pendleton của U.S. Marines ở quận San Diego thì sẽ dễ dàng cho việc tìm người bảo lãnh và họ sẽ sớm được định cư. Do đấy mà có sự thành lập trại Hope Village ở Weimar. Người viết bài này khi đó cùng với hai con còn nhỏ nằm trong đám người xin đi trại Weimar cùng với cả gia đình cố ký giả và sáng lập viên nhật báo Người Việt, tờ báo nhiều tuổi đời nhất, trụ sở đặt tại Westminster, California.
Bà Tippi lui tới trại tị nạn hàng tuần, nhiều khi với nữ tài tử Kiều Chinh mà bà bảo lãnh khi chị còn lang thang sau biến cố 30 tháng 4 vì chưa có quốc gia nào chịu nhận cho chị định cư cho đến khi liên lạc được với bà Tippi. Bà Tippi rất quan tâm tới việc làm thế nào để huấn nghệ cho những người tị nạn, đặc biệt các bà các cô vốn không có nghề nghiệp gì nhất định. Bà giúp mở những lớp học đánh máy, may vá, bên cạnh những lớp cấp thiết hơn, đó là dậy tiếng Anh. Một bữa bà gặp gỡ với một số phụ nữ trong trại và hỏi bà có thể làm gì để giúp họ. Trong lúc trao đổi, bà để ý một số người cứ mải mê ngắm mười ngón tay móng dài, cắt rũa gọn gàng tròn chịa và sơn mầu hồng rất đẹp của bà. Trong đầu bà chợt nảy ra một sáng kiến: dậy những phụ nữ lưu vong này nghề làm móng tay móng chân.


Nữ tài tử Tippi Hedren, thứ tư từ trái qua ở hàng sau, với vài trong số 20 phụ nữ được bà bảo trợ theo học ngành làm móng tại trường Citrus Heights Beauty College, 1975. Không những bà đã can thiệp để các học viên này chỉ học nghề làm móng thay vì toàn khóa thẩm mỹ vị lý do trại Weimar có thể phải đóng cửa sớm khi mùa đông tới, mà bà còn xin cho họ được miễn học phí nữa. 


Trường Thẩm mỹ Citrus Heights, thuộc ngoại ô của thành phố Sacramento, nơi đã nhận huấn luyện làm móng miễn phí cho các phụ nữ tị nạn. (Ảnh trích “Happy Hands”, phim tài liệu dài 19 phút, do Honey Lauren thực hiện, 2013)
Chị Thuần cho biết chị và các học viên đã năm ngày mỗi tuần đáp xe của trại hoặc xe của những người Mỹ ở địa phương tình nguyện đưa đến trường thẩm mỹ Citrus Heights ở gần Sacramento từ sáng đến chiều, để con cái cho các ông chồng trông nom. Cứ vậy cho tới khi họ học đủ 350 giờ rồi đi thi. Toàn thể nhóm 20 người được bà Tippi bảo trợ đều thi đậu. Và họ chính là những “hạt giống” đã giúp cho nghề làm móng đâm chồi nẩy lộc và phát triển, chẳng bao lâu trở thành một kỹ nghệ ở California và rồi sau đó lan sang các tiểu bang khác và tràn về cả Việt Nam nữa.

Trái, nữ tài tử Tippi Hedren trong chiếc áo dài truyền thống Việt Nam mầu vàng ngồi giữa trong một buổi ăn mừng với các bà, cô tị nạn. Phải, bà Tippi kể lại chuyện 38 năm trước khi bà lui tới trại tị nạn Hope Village ở Weimar, Bắc Cali, và nảy ra ý huấn nghệ cho một nhóm 20 phụ nữ tị nạn theo đuổi ngành làm móng lúc ấy chưa phổ thông và chỉ dành cho giới khá giả hoặc tài tử điện ảnh. (Ảnh trích “Happy Hands”, phim tài liệu dài 19 phút, do Honey Lauren thực hiện, 2013)

‘Lan ra như một đám cháy rừng’
Chị Thuần kể khi gia đình chị, gồm chồng, Trung tá Không quân Lại Quốc Trang của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, và ba con nhỏ rời trại về định cư tại Santa Monica dưới sự bảo lãnh của nhà thờ St. Augustin by the Sea trong một cái apartment hai phòng, chị đã liên lạc ngay với bà Tippi như bà đã dặn.
“Lập tức bà Tippi tìm đến thăm gia đình mình,” chị Thuần kể qua điện thoại. “ Nhà hai phòng ngủ một phòng tắm, trẻ con chạy quanh ồn ào náo nhiệt. Bà Tippi bảo mình làm thử móng Juliet cho bà xem.” Trong vòng một tiếng, chị Thuần làm xong, và bà Tippi nói hôm sau sẽ dẫn đi xin việc.
Hôm sau, giữ lời, bà Tippi lại tới đưa chị Thuần đi xin việc tại một salon ở Brentwood. Mặc dù đã có sẵn ba thợ nhưng nể lời Tippi, chủ nhân vẫn nhận chị Thuần vào làm. Phải một thời gian chị mới tạo được một số khách quen và đã ở lại nơi này làm việc cả chục năm, “vì đây là việc bà Tippi đã giới thiệu cho mình nên mình muốn giữ và hãnh diện về nó.”
Một bữa, vào năm 1978, một người bạn của gia đình ghé qua thăm chị Thuần tại chỗ chị làm việc, chị Thuần kể. Anh Nguyễn Diễm, một cựu chỉ huy trưởng Hải quân VNCH lúc ấy đang làm trong nghề điện tử song có đầu óc kinh doanh. Chị Kiên, vợ anh, đã từng hành nghề thẩm mỹ ở Saigon trước 1975. Quan sát việc chị Thuần làm, hai vợ chồng anh Diễm bàn nhau cùng đi tìm học về nghề thẩm mỹ. Sau một thời gian hành nghề, họ quyết định lập trường dậy về thẩm mỹ, đó là trường Advance Beauty College, trường thẩm mỹ đầu tiên do người Việt lập ra ở Nam Cali. Hiện nay trường gồm hai trụ sở, một ở Garden Grove và một ở Laguna Hills, do các con là Tâm và Linh điều khiển. Trường dậy cả làm mặt, dưỡng da, làm tóc và đấm bóp cùng những môn thẩm mỹ khác, cũng như huấn luyện người huấn luyện viên. Tới nay, trường đã đào tạo khoảng 25,000 người tốt nghiệp, phần lớn về nghề làm móng tay.
Theo chân trường thẩm mỹ ABC, nhiều trường thẩm mỹ cũng đã mọc lên như nấm do người Việt làm chủ. Riêng tại Nam Cali đã có trên chục trường lớn nhỏ. Nhu cầu có nghề để tìm việc kiếm ra tiền nhanh cho bản thân và gia đình có lẽ không có nghề nào đáp ứng nhanh, ít tiền vốn và không đòi hỏi một vốn liếng Anh ngữ khá như nghề làm móng tay. Bên cạnh lại cũng có những nhà kinh doanh quay sang mở cơ sở cung cấp vật liệu cho nghề thẩm mỹ nữa, được biết khá phát đạt.
Khó mà biết trong số 20 người đầu tiên được bà Tippi Hedren bảo trợ năm nào có bao nhiêu người còn hành nghề và đã tiếp tay giúp cho nghề làm móng “lan nhanh như một đám cháy rừng” như lời chị Thuần kể. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Thuần, nay đã là bà ngoại của ba cháu và hiện chỉ còn làm việc bán thời gian và cũng chỉ nhận những người khách quen biết lâu năm, không thể không nhớ ơn người “mẹ đỡ đầu” cho nghề làm móng nói riêng và thẩm mỹ nói chung của người Việt hải ngoại, người mà chị nói đã “yêu ngay khi mới gặp lần đầu” (love at the first sight).
“Hôm gặp bà Tippi ở buổi vinh danh bà do Beauty Changes Lives tổ chức, mình đã tới lều bà Tippi nói với bà rằng, ‘Bà Tippi à, tôi xin bầy tỏ lòng biết ơn vô cùng của tôi đối với tình thương yêu bà đã dành cho chúng tôi vào năm 1975 mới chân ướt chân ráo tới đây tị nạn. Tình yêu thương ấy đã thay đổi đời tôi và đời của nhiều người tị nạn và làm cho đời chúng tôi tốt hơn. Tình yêu thương ấy còn hiện hữu tại nước Mỹ trong khi đã cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới…’.”
Được biết Beauty Change Lives đã dự tính một chương trình học bổng nhằm khuyến khích những người yêu nghề thẩm mỹ có cơ hội phát triển tài năng đồng thời vinh danh Tippi Hedren. Chương trình học bổng này mang tên là Tippi Hedren Nail Scholarship Fund, và sẽ khởi phát từ tháng 1 năm 2014.
[TD, 2013-10]


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Những tác phẩm nghệ thuật từ rau quả ở dường hoa Nguyễn Huệ

Con bướm khổng lồ, mô hình chợ Bến Thành, đàn ngựa đang tung vó... là những tác phẩm nghệ thuật được làm từ nhiều loại trái cây ở đường hoa Nguyễn Huệ năm nay.
Hoa luôn là chất liệu chính và là yếu tố thu hút sự chú ý của du khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ trong suốt hơn chục năm qua. Bên cạnh gần 100 nghìn chậu hoa, nét mới của đường hoa Nguyễn Huệ Giáp Ngọ là khu vực trưng bày dành riêng những tác phẩm nghệ thuật rau, củ, quả cho du khách thưởng lãm.
Đây là một "hạng mục" nhỏ nằm trong tổng thể Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay, với chủ đề “TP HCM - Thành phố tôi yêu" nhằm chuyển tải những thông điệp về một thành phố năng động, sáng tạo. Trong ảnh là tác phẩm "thành phố tiến lên" được thực hiện bằng các loại đậu, mè và rau cũ quả.
Tác phẩm "Hoa mai" được làm từ nhiều loại trái cây, hoa và cũ quả.
Mô hình chợ Bến Thành - biểu tượng của TP HCM với tên "Thành phố phồn hoa" được làm từ các loại đầu và mè.
Tác phẩm "Bướm xuân" được làm từ nhiều loại quả như cà rốt, ớt, củ cải trắng...
Một ngôi nhà được làm từ các loại rau, củ quả.
Tác phẩm "Vó ngựa lên non" được thực hiện bằng các loại rau, củ, quả.
Mô hình nhà hát thành phố cũng đươc làm từ các loại rau củ quả.
Tác phẩm "Nghinh xuân" được làm từ các loại đậu đỏ, trắng, xanh và củ quả.
Một bức tranh được làm từ các loại đậu và ớt.
Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà được vẽ trên vỏ quả dưa hấu.
Hữu Nguyên

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Lão nông và vườn cây 7 quả "độc nhất" Hà Nội - từ Dân Trí.vn


**********************

Lão nông không bằng cấp và vườn cây 7 quả “độc nhất” Hà Nội


(Dân trí) - Một lão nông không bằng cấp, không qua trường lớp đào tạo nhưng đã ghép thành công loại cây 5 quả, 7 quả chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán cho thu nhập nửa tỉ đồng mỗi năm.

Đó chính là ông Lê Đức Giáp, thôn Bãi, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), người được dân làng mệnh danh là “vua cây cảnh” ở nơi đây.

“Chân lấm tay bùn” sáng tạo

Ở tuổi 61, chân tay đã yếu dần nhưng ông Giáp vẫn miệt mài, tỉ mẩn, vẫn khao khát sáng tạo bên vườn cây nhỏ của mình. Ông kể, ông đến với nghề cây cảnh cũng là một cái duyên nợ, ngay từ nhỏ đã gắn bó với nghề làm pháo truyền thống của gia đình. Tuy nhiên sau khi bị nhà nước cấm sản xuất, năm 2001 ông long đong đi làm thuê, chợ búa, buôn hoa quả rồi dừng lại nghiệp trồng cây cảnh. Thời gian đó vô cùng khó khăn, ông phải vay mượn khắp nơi mới được hơn 30 triệu đồng để xây dựng vườn cam cảnh. Dần dần, vườn cam cảnh của ông trở nên đẹp nhất xã cho thu nhập ổn định, nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm nhưng họ chỉ cho rằng ông ăn may nên mới có vườn cam đẹp như vậy.
 
Ông Giáp bên vườn cây 5 quả, 7 quả của mình
Ông Giáp bên vườn cây 5 quả, 7 quả của mình

Xuất phát từ suy nghĩ: “Năm nào người dân cũng mua đào, quất về chơi Tết mãi rồi cũng chán, tôi muốn tạo ra một cây nhiều loại quả vừa độc đáo lại vừa đem lại không khí ấm áp trong gia đình ngày Tết”. Thêm vào đó, ông muốn chứng minh với những người cho rằng mình ăn may thấy người nông dân dù chân lấm tay bùn nhưng phải có kĩ thuật và sáng tạo mới thành công được.


Năm 2008, ông Giáp bắt đầu nhân giống cây ngũ quả đầu tiên, ban đầu ông chỉ ghép cam, chanh và phật thủ vào gốc cây bưởi chua. Tuy nhiên, ông ghép 3 loại quả này cùng vào thời điểm bưởi ra hoa, đến Tết cây lộn xộn quả chín, quả xanh, quả non nên thất bại thậm chí lỗ hết vốn.

Không nản lòng, năm 2009, ông tiếp tục mua hạt bưởi nhân giống lại. Khi bưởi ươm được 1,5 tháng cao khoảng 30 – 40cm thì đem ra vườn trồng rồi bón phân thúc cây phát triển. Trước Tết khoảng 7 tháng làm cho cây trụi để cây ra hoa nhanh. Theo đó, bởi ghép vào tháng 5; tháng 7, tháng 8 thì ghép cam, quýt, chanh; tháng 9 ghép phật thủ. 
 
Cận cảnh 1 cây 5 quả trong vườn
Cận cảnh 1 cây 5 quả trong vườn

Ông Giáp cho hay, sở dĩ ông chọn bưởi chua làm gốc chính bởi gốc bưởi có bộ rễ khỏe, chịu được ngập úng tốt. Chọn quả ghép cũng cần chọn các loại quả thuộc họ có múi gần giống với bưởi như cam quýt, chanh, quất…vì chúng có chung thành phần dinh dưỡng nên dễ sống. Việc chăm sóc cây ghép quả cũng khá cầu kỳ, phải thường tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu để cây không bị sâu đục thân. Trước tết một tháng thì bắt đầu tháo các mối ghép trên cây và tưới nước để cây có nhiều chồi vào dịp Tết.

Ông kể: “Năm 2009 thành công, tôi mừng quá vì cuối cùng cũng thành hiện thực chứ không chỉ sự ảo tưởng, viển vông như mọi người nói”. Tuy nhiên, ban đầu không ai hỏi mua cây ngũ quả vì chúng quá lạ và mới. Thấy vậy ông Giáp cho làng mượn để trưng Tết cho tiệc chung của cả làng Cao Viên. Nhiều du khách về làng chơi hội thấy đẹp quá đã đặt hàng năm sau mua. Nhân giống thành công, năm 2011, 2012 ông bán được lần lượt 60, 70 cây ngũ quả thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Thấy mô hình hiệu quả, đầu 2013, ông Giáp đã mở rộng vườn ra 15.000 m2 trồng cả cam cảnh, phật thủ và cây ngũ quả. Đầu năm ông trồng gần 130 gốc nhưng do sương muối, ngập úng nên chỉ giữ được gần 100 cây. Đặc biệt, do nhu cầu của khách, năm nay ông Giáp đã thí điểm ghép 5 gốc cây 7 quả và đã thành công. Theo đó cây 7 quả gồm: cam thường, cam V2 Malaysia, phật thủ, bưởi diễn, bòng, quất, quýt.

“Sang năm 2014 tôi sẽ nghiên cứu cho ra loại cây 9 quả đặc biệt chiết ghép thêm cam Nghệ An và chanh đào vì đã có khách đặt trước rồi”, lão nông quả quyết.

Vườn cây 5 quả, 7 quả “độc nhất” Hà Nội vào vụ Tết

Những ngày giáp Tết, vườn cây “độc nhất” của ông Giáp tấp nập người ra vào mua bán từ sáng sớm cho tới khuya. Nhiều du khách cũng tìm đến tham quan, tìm hiểu về vườn cây.

Vừa tiếp khách hàng, ông Giáp hớn hở: “Cả vườn có 100 cây thì nay đã bán được tầm 60 – 70 cây rồi, số còn lại bán đến 25 Tết cũng hết”.
 
Con trai ông Giáp tất bật chở cây cho khách
Con trai ông Giáp tất bật chở cây cho khách

Nói rồi ông Giáp nhẩm tính, tính riêng thu nhập từ cây 5 quả, 7 quả mỗi năm gia đình ông thu khoảng 400 – 500 triệu đồng , đó là chưa kể nguồn thu từ cam cảnh và phật thủ. Năm nay, cây 7 quả ông bán được 10 triệu đồng là cao nhất, giá trung bình mỗi cây cũng ở vào 5 – 7 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu là ở Hà Nội, Phú Thọ, Hải Bình, Hưng Yên về đây mua. Khách Sài Gòn năm nay tăng đáng kể, cá biệt có một khách ở Campuchia đã về tận vườn để mua cây ngũ quả.

Theo ông Giáp, năm sau ông sẽ mở rộng quy mô lên trồng 200 cây để phục vụ cho đủ thị trường Tết đồng thời cho người con trai cả sang Hòa Bình trồng cây ngũ quả và hướng dẫn bà con bên đó.

Ông bảo, năm tới phải đi học hỏi kinh nghiệm thêm về cách tạo dáng, tạo thế cho hợp phong thủy, đáp ứng nhu cầu của thị trường vì có nhiều khách hàng về thăm vườn thích lắm nhưng lại chê không hợp với phong thủy nhà họ nên không mua.

“Cũng vì không được học hành cẩn thận nên vườn cây vẫn còn nhiều hạn chế việc tạo dáng cây còn xấu, chiết ghép hỏng. Năm tới tôi sẽ cùng nhiều bà con ở đây tiếp tục sáng tạo hơn nữa để xây dựng cây 5 quả, 7 quả trở thành một thương hiệu lớn tương tự như đào, quất cho ngày Tết của người Việt”, ông Giáp miệt mài nói về các dự định trong tương lai khi đã ở cái tuổi 61 của cuộc đời.



Hướng Dương

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Ngày Tết-nói về 24 loại hoa mai

Ngày Tết - Nói về hai mươi bốn loài hoa mai.

Trên đất nước Việt Nam, người ta thường biết đến hoa mai qua loại hoa mai vàng năm cánh đặc trưng xưa nay mà người ta còn gọi là mai rừng, mai tự nhiên hay mai thiên nhiên chỉ có năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to có khi đạt đến chiều cao hơn chục mét, hương thơm thoang thoảng, lây lất mùi gỗ rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm như một số loài hoa khác. Nhưng thật ra trên thế giới có tất cả hai mươi bốn loài mai thuộc họ mai, tức là chi họ Ochna (Ochnaceae) khác với loài mai mơ gần giống như hoa đào của Trung quốc có màu trắng hoặc trắng hồng, cánh nhỏ, nhụy rậm và dày thường mọc thành chùm và hoa rậm, thân giống cây hoa đào, đoạn xù xì, đoạn trơn láng, màu xanh, da bóng và mọc cao to như cổ thụ.


Hoa mai tại Việt Nam mọc phổ biến ở miền Trung và miền Nam, đa phần là mai rừng tự nhiên. Sau này người ta sử dụng một số loại mai ghép lại với nhau và cho ra đời một loại mai nhân tạo đó chính là mai giảo nhiều cánh, số lượng cánh có thể lên đến hàng chục cho đến hàng trăm cánh xếp chồng lên nhau thành một đóa hoa dày và lớn. Nhưng thật ra hoa mai vàng trong tự nhiên cũng có loài đạt đến số lượng cánh rất cao (từ 12 cho đến 18 cánh). Mai tự nhiên có mùi hương tự nhiên rất thơm và thường nực nồng vào buổi sáng và dần dần mất mùi vào những khoảng thời gian còn lại trong ngày. Có lẽ vì buổi sáng sớm, nhiệt độ còn thấp, sương chưa tan nên hương thơm còn giữ lại trong không khí, đến khi mặt trời lên, nhiệt độ tăng dần, sương tan hết cũng là lúc hương hoa cũng tản ra trong không khí nên chúng ta nghĩ là hoa mất mùi sau khi mặt trời lên cao.



Hoa mai tại Việt Nam có mười tám loại như sau:

1 – Mai năm cánh: Loại mai vàng mọc phổ biến tại miền Trung (Từ Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa) và trên dãy trường Sơn, trong những khu rừng già. Đây là loại mai năm cánh tự nhiên, hoa nhỏ, thân vừa và nở hoa không nhiều và rậm như một số loài mai khác mà nở thưa thớt. Nhưng nếu lạc vào rừng mai này vào mùa xuân thì chúng ta sẽ thấy sắc hoa vàng rực rỡ cả một khu rừng, cả một triền núi và xác hoa rơi có khi vàng cả một dòng suối. Hương thơm ngập tràn và lan tỏa cả một vùng rộng lớn. Ở một số ngọn núi thuộc đồng bằng sông Cửu Long như tại vùng Thất sơn (bảy núi) cũng có loại mai này nhưng ít hơn và rải rác không tập trung.

Mai 5 cánh


2 – Mai núi: Cũng là một loại mai rừng nhưng có số lượng cánh nhiều hơn từ 12 cho đến 18 cánh, có khi còn hơn thế nữa. Mai này mọc trên những núi đá khô khốc và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa và nước ngầm trong lòng đất cộng với khí hậu ẩm thấp của miền núi. Loài mai này thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.


3 – Mai chủy: Cũng là một loại mai rừng nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy (chủy có nghĩa là chùm, quần thể, quây quần lại, đặc nghẹt).


4 – Mai động, mai sẻ: Là một loại mai chuyên mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai này có thân suôn thẳng và tròn và trổ bông thưa thớt. Nếu chúng trổ năm cánh thì gọi là mai sẻ, còn nếu có hơn năm cánh thì đúng là loa mai động. Mai động và mai sẻ mọc rải rác từ các tỉnh từ Quảng Bình, Quàng Trị vào tận các vùng duyên hải thuộc miền trung và có khi thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên Hòa v..v..
Mai sẻ
5 – Mai chùm gửi, mai Tỳ bà, mai vương: Là một loại mai sống nhờ trên thân cây khác, nhất là các loại cây cổ thụ to lớn, chúng sống bám vào thân cây, một phần hút chất dinh dưỡng từ đất, một phần hút chất dinh dưỡng từ cây mà chúng bám vào. Không giống các loại chùm gửi khác chỉ bám trên thân cây khác, mai chùm gửi sống phân nửa dựa vào bộ rễ bám vào lòng đất của nó. Mai chùm gửi có thân ghồ ghề, cứng và xù xì cùng với những khối u kì dị. Chồi và tược cũng như hoa đâm ra từ những khối u đó. Hoa trổ khá dày và khít thành từng chùm đặc nghẹt. Có nơi còn gọi nó là mai tỳ bà hay mai vương.
6 – Mai hương, mai thơm hay mai ngự: Là một loại mai vàng có mùi hương rất thơm, thơm hơn tất cả các loài mai khác. Mùi hương của nó rất đặc biệt và có lẽ là nồng nàn hơn tất cả các loài mai nên nó được gọi là mai hương cho đúng với tính chất đặc biệt của loài mai vàng năm cánh này. Ở Bến Tre cũng có rất nhiều loại mai này mà người dân ở đây gọi nó bằng một cái tên rất miệt vườn là “Mai thơm” vì nó rất thơm, thơm hơn những loại mai thông thường mà người dân Nam bộ thường gặp. Ở Huế, loại mai này còn được gọi là “Mai ngự” vì nó được trồng trong cung và rất được Hoàng tộc mến chuộng dùng làm quà biếu cao cấp nên nó gọi là “Mai ngự”.
mai ngự
7 – Mai châu (Mai trâu): Là một loại mai trổ hoa rất lớn, hoa của loài mai này lớn một cách lạ thường, cánh to và rộng, màu vàng rực. Mỗi đóa hoa có đường kính hơn 5cm nên người ta gọi nó là mai trâu mà người Nam bộ thường đọc trại ra thành “mai châu”.
8 – Mai liễu: Là một loại mai có cành rất mềm và rũ xuống như cây liễu, hoa trổ rất ít. Lá mai nhọn và nhỏ, thon dài như lá liểu nên được gọi là mai liễu.
9 – Mai nhọn: Là một loại mai có lá dài và nhọn, nụ hoa và cánh hoa cũng có hình dạng tương tự.
10 – Mai Cà Ná: Là loại mai đặc trưng mọc tại vùng biển Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận. Loài mai này có thân nhỏ, èo uột, cành rất giòn, dễ gẫy, lá hình bầu dục, trơn láng và có răng cưa quang rìa lá. Người dân ở đây gọi nó là mai rừng Cà Ná.
11 – Mai Vĩnh Hảo: Vào địa phận của tỉnh Bình Thuận, thuộc huyện Tuy Phong, xã Vĩnh Hảo, nơi có nguồn nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng nhất Việt Nam là “Nước khoáng Vĩnh Hảo” thì có một loại mai vàng nữa cũng là loài đặc trưng của vùng này, không khác gì mấy so với mai Cà Ná nhưng nó lại được người dân ở đây đặt cho cái tên theo địa danh nơi nó đang sống là “Mai Vĩnh Hảo”. Mai Vĩnh Hảo có thân cứng, lá nhỏ, hoa to và phẳng, đặc biệt rất lâu tàn.
12 – Mai tứ quý: Loài mai đặc trưng của vùng Nam bộ. Mai này cũng trổ hoa vàng nhưng sau khi cánh hoa rụng đi thì đài hoa còn lại năm cánh màu đỏ với nhụy hoa và ba hạt màu đen như hạt đậu. Năm cánh hoa màu đỏ cũng tròn trịa và giống hình một đóa hoa mai. Do tính chất nở hai lần trên cùng một đóa nên người ta còn gọi mai tứ quý là nhị độ mai. Mai này trổ bông lác đác quanh năm nên mới gọi là mai tứ quý (xuân, hạ, thu, đông đều trổ hoa). Mai tứ quý thân sần sùi và đen. Có cây phát triển rất to và cao nhưng đa số là những cây lâu năm. Càng lâu năm nhìn nó càng cổ kính và chắc chắn.
Mai tứ quý:
13 – Mai giảo: Là loại mai có rất nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai. Mai giảo lấy gốc mai vàng làm chủ đạo sau đó ghép nhánh của các loại mai khác vào để cho ra đời một loại mai có rất nhiều cánh, rất nhiều màu sắc trên cùng một cây mai. Loại này là loại mai nhân tạo mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên thị trường mai Tết.
Sáu loại mai trên thế giới:
1 – Mai vàng Campuchia (Mai Cao Miên): Tên khoa học là Ochna integerrima. Hoa mai có từ 5 đến 9 cánh, khi nở ra thì úp ngược về phía cuống hoa chứ không xòe rộng như các loại mai Việt Nam, hoa có màu vàng tái (sậm gần như cam đậm). Loại mai này cũng có thấy ở Việt Nam, phần nhiều mọc trong những khu rừng thuộc miền Nam và miền Trung. Chúng là loài cây hoang dã cũng có phân bố ở một số nơi có cồn cát nóng và ven những bờ sông râm mát. Mai vàng Campuchia thuộc dạng thân gỗ, nhánh gầy, mảnh và dài. Lá đơn màu xanh nhạt và bóng mọc thưa trên cành, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc ra từ nách lá thành chùm, cuống hoa ngắn, đài hoa xanh bóng và không che kín nụ. Ở Việt nam người ta thường dùng loại mai này để ghép thành mai giảo vì nó có khả năng tăng số lượng cánh lên rất cao. Không những thế mà hiện nay nó còn có ba màu do lai ghép là đỏ, vàng và trắng.
Ochna integerrima Ochna integerrima Ochna integerrima
2 – Mai vàng Nam Phi: Có khoảng 12 loài mai thuộc chi họ mai Ochna bao gồm dạng cây lẽ và cây mọc thành bụi. trong đó có hai loài phổ biến là Ochna pretoriensis và Ochna pulchra. Hai loài này xuất hiện rất nhiều tại vùng Koppie. Loài Ochna pulchra cao khoảng 3 7m, vỏ cây thường có hiện tượng tróc ra, lá dễ rụng. Chúng mọc hoang dã ở rừng, vỏ cây màu xám, xù xì ở gốc, nhánh thân cây bị tróc vỏ màu kem nhạt. Mai Châu Phi có hai màu vàng và hồng. Ngoài ra ở Nam Phi còn có các loại mai rất giống với mai tứ quý tại Việt Nam.
Ochna pretoriensis
Ochna pulchra
3 – Mai vàng Myanmar (Miến Điện): Ở đất nước Phật giáo này có một loài mai mang tên khoa học là Ochna serrulata gần giống với loại mai Nam Phi. Tuy nhiên hình thức của hoa mai có khác đôi chút ở chổ cánh hoa bẹt hoặc có bầu noãn đỏ như mai tứ quý, tồn tại rất lâu trước khi rụng hoàn toàn.
4 – Mai vàng Indonesia: Có tên khoa học là Ochna kirkii Oliv, Ochna serrulata. Tất cả đều có nguồn gốc từ Châu Phi, tuy nhiên do địa chất khác nhau nên chúng có ngoại hình lớn hơn mai Châu Phi. Có loài nở hoa vào mùa xuân, mùa hè hoặc nở cả bốn mùa như mai tứ quý.
5 – Mai vàng Madagascar: Là loại mai có tên khoa học là Ochna greveanum với năm cánh tròn trịa, dúm bèo theo rìa cánh giống như mai cánh dúm ở Việt Nam, lá mai dài và rũ xuống từng chùm.
6 – Mai vàng Châu Phi: Khác với mai vàng Nam Phi vì nó giống mai vàng năm cánh của Việt Nam nhưng có tên khoa học khác là Ochna thomasiana thuộc dạng cây bụi, lá hình oval, đầu lá nhọn và bén dài khoảng 10cm. Hoa rộ trên cành vào mùa xuân, nhưng đôi khi lại bất chợt nở hoa vào mùa hè nhưng số lượng ít hơn. Cánh hoa thon dài khoảng 2cm, đài hoa bung ra rộng và trở thành màu đỏ tía, bên trong có trái non màu xanh giống như mai tứ quý của Việt Nam.
Mai vàng châu Phi
Đó là 19 loại mai của Việt Nam và thế giới, trong đó có loài thứ 4, thứ 6 và thứ 7 đã mang bảy cái tên khác nhau theo cách gọi của dân gian Việt Nam. Nếu tính tổng cộng là có 24 loài mai trên khắp thế giới hoặc có thể còn nhiều hơn nữa. Đúng là hoa mai rất đa dạng và phong phú chủng loại. Ở Trung Quốc họ vẫn gọi cây đào là cây mai vì có nhiều loại rất giống hoa mai nhất là hồng đào và bạch đào mà họ hay gọi là hồng mai và bạch mai, nhưng cánh mai tròn và nhỏ như cánh đào, nhụy hoa rậm và dày, thân cây giống hệt như cây đào nên thường gọi là đào chứ không gọi là mai.
Ngày Tết nói chuyện về sự phong phú của cây mai để chúng ta cùng nhau tìm hiểu về loại hoa đặc trưng của mùa xuân này. Hoa mai là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, không tốt đẹp cho một năm luôn được bình an, hanh thông và phát đạt.