Nhãn

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Nghề làm móng tay của người Việt ở Mỷ-người đở đầu cho nghề nail :Tippi Hedren



Cuối tháng 9 năm 2013 tổ chức không vụ lợi Beauty Changes Lives thuộc hội American Association of Cosmetology Schools trong một buổi tiếp tân tại Beverly Hills, Nam Cali, đã vinh danh nữ tài tử Tippi Hedren, 83 tuổi, người đã có công giúp đỡ và qua đó giới thiệu nghề làm móng đến cộng đồng di dân gốc Việt, đặc biệt ở California, từ giữa năm 1975 để từ đó một kỹ nghệ mới ra đời: kỹ nghệ làm móng tay và chân. Làm móng vốn trước kia chỉ là một dịch vụ dành cho giới khá giả và các tài tử Hollywood, thì nay, nhờ sự tham dự của đông đảo người di dân gốc Việt, dịch vụ làm móng tay đã trở thành thông dụng nhờ giá cả bình dân, có khi chỉ giá 15 Mỹ kim một bộ, so với khoảng 60 Mỹ kim vào thập niên 1970.
Theo tạp chí Nails, người Việt hiện chiếm 80 phần trăm số người hành nghề có bằng tại California, và 45 phần trăm trên toàn quốc Hoa Kỳ. Vì số người Việt đông đảo trong nghề mà tạp chí này hiện có cả ấn bản bằng Việt ngữ, tên là Việt Salon. Với trên 300,000 người trong nghề thẩm mỹ, kỹ nghệ này có một số thu ước tính khoảng 7.3 tỉ Mỹ kim vào năm 2012.
Cùng có mặt trong buổi sinh hoạt vinh danh tài tử Tippi Hedren, ngôi sao của phim “The Birds” (1963) của cố đạo diễn tên tuổi Alfred Hitchcock, bên cạnh các khách Mỹ, là nữ tài tử Kiều Chinh, bạn thân của bà Tippi, Bác sĩ Nguyễn Tâm, giám đốc Advance Beauty College tại Garden Grove, và nhiều khách Việt khác trong và ngoài ngành làm móng tay và cung cấp vật liệu liên hệ.

 
 Nữ tài tử Tippi Hedren, phải, đang ngắm nghía pho tượng do Beauty Changes Lives trao cho bà để vinh danh bà như bà mẹ đỡ đầu cho ngành nail của người Việt hải ngoại do đã có công hướng dẫn và bảo trợ cho một nhóm 20 phụ nữ Việt tị nạn đầu tiên theo học ngành này vào năm 1975. Từ trái, anh Nguyễn Tâm, giám đốc trường thẩm mỹ Advance Beauty College tại Garden Grove, một thành viên của American Association of Cosmetology Schools; Lynelle Lynch và Jan Arnold thuộc tổ chức Beauty Changes Lives. 


 Từ trái, chị Lê Đồng Thị Thuần, một trong 20 người đầu tiên được bà Tippi Hedren bảo trợ cho theo học ngành làm móng; nữ tài tử Kiều Chinh; bà Tippi Hedren; và Triều Giang Nancy Bùi của hội Vietnamese American Heritage Foundation có mặt để thu hình buổi vinh danh cho cuốn phim tài liệu Vietnamese Americans’ Journey to Freedom đang trong thời kỳ ráp nối. (Ảnh Trùng Dương)
Ngược dòng thời gian
Chị Lê Đồng Thị Thuần, một trong 20 người được nữ tài tử Tippi Hedren hướng dẫn và tài trợ theo đuổi nghề làm móng tay từ những ngày mùa hè năm 1975, còn nhớ rất rõ thuở ban đầu gặp gỡ với bà Tippi ở trại tị nạn Hope Village ở Weimar, Bắc Cali, cách Sacramento 45 miles về phía đông bắc.
Hồi ấy, cách đây 38 năm, bà Tippi là một thành viên của hội thiện nguyện Food for the Hungry của cố Đại tá Larry Ward. Trại Hope Village được thành lập trên một ngọn đồi thông tại những toà nhà nguyên là một nhà thương phục hồi cho bệnh nhân bị lao, nơi chứa khoảng 600 người tị nạn Việt đến từ nhiều trại tị nạn khác của quân đội Mỹ. Food for the Hungry hồi ấy quan niệm nếu tách một nhóm vài trăm người tị nạn ra khỏi các trung tâm tị nạn thiết lập tại một số căn cứ quân sự như Camp Pendleton của U.S. Marines ở quận San Diego thì sẽ dễ dàng cho việc tìm người bảo lãnh và họ sẽ sớm được định cư. Do đấy mà có sự thành lập trại Hope Village ở Weimar. Người viết bài này khi đó cùng với hai con còn nhỏ nằm trong đám người xin đi trại Weimar cùng với cả gia đình cố ký giả và sáng lập viên nhật báo Người Việt, tờ báo nhiều tuổi đời nhất, trụ sở đặt tại Westminster, California.
Bà Tippi lui tới trại tị nạn hàng tuần, nhiều khi với nữ tài tử Kiều Chinh mà bà bảo lãnh khi chị còn lang thang sau biến cố 30 tháng 4 vì chưa có quốc gia nào chịu nhận cho chị định cư cho đến khi liên lạc được với bà Tippi. Bà Tippi rất quan tâm tới việc làm thế nào để huấn nghệ cho những người tị nạn, đặc biệt các bà các cô vốn không có nghề nghiệp gì nhất định. Bà giúp mở những lớp học đánh máy, may vá, bên cạnh những lớp cấp thiết hơn, đó là dậy tiếng Anh. Một bữa bà gặp gỡ với một số phụ nữ trong trại và hỏi bà có thể làm gì để giúp họ. Trong lúc trao đổi, bà để ý một số người cứ mải mê ngắm mười ngón tay móng dài, cắt rũa gọn gàng tròn chịa và sơn mầu hồng rất đẹp của bà. Trong đầu bà chợt nảy ra một sáng kiến: dậy những phụ nữ lưu vong này nghề làm móng tay móng chân.


Nữ tài tử Tippi Hedren, thứ tư từ trái qua ở hàng sau, với vài trong số 20 phụ nữ được bà bảo trợ theo học ngành làm móng tại trường Citrus Heights Beauty College, 1975. Không những bà đã can thiệp để các học viên này chỉ học nghề làm móng thay vì toàn khóa thẩm mỹ vị lý do trại Weimar có thể phải đóng cửa sớm khi mùa đông tới, mà bà còn xin cho họ được miễn học phí nữa. 


Trường Thẩm mỹ Citrus Heights, thuộc ngoại ô của thành phố Sacramento, nơi đã nhận huấn luyện làm móng miễn phí cho các phụ nữ tị nạn. (Ảnh trích “Happy Hands”, phim tài liệu dài 19 phút, do Honey Lauren thực hiện, 2013)
Chị Thuần cho biết chị và các học viên đã năm ngày mỗi tuần đáp xe của trại hoặc xe của những người Mỹ ở địa phương tình nguyện đưa đến trường thẩm mỹ Citrus Heights ở gần Sacramento từ sáng đến chiều, để con cái cho các ông chồng trông nom. Cứ vậy cho tới khi họ học đủ 350 giờ rồi đi thi. Toàn thể nhóm 20 người được bà Tippi bảo trợ đều thi đậu. Và họ chính là những “hạt giống” đã giúp cho nghề làm móng đâm chồi nẩy lộc và phát triển, chẳng bao lâu trở thành một kỹ nghệ ở California và rồi sau đó lan sang các tiểu bang khác và tràn về cả Việt Nam nữa.

Trái, nữ tài tử Tippi Hedren trong chiếc áo dài truyền thống Việt Nam mầu vàng ngồi giữa trong một buổi ăn mừng với các bà, cô tị nạn. Phải, bà Tippi kể lại chuyện 38 năm trước khi bà lui tới trại tị nạn Hope Village ở Weimar, Bắc Cali, và nảy ra ý huấn nghệ cho một nhóm 20 phụ nữ tị nạn theo đuổi ngành làm móng lúc ấy chưa phổ thông và chỉ dành cho giới khá giả hoặc tài tử điện ảnh. (Ảnh trích “Happy Hands”, phim tài liệu dài 19 phút, do Honey Lauren thực hiện, 2013)

‘Lan ra như một đám cháy rừng’
Chị Thuần kể khi gia đình chị, gồm chồng, Trung tá Không quân Lại Quốc Trang của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, và ba con nhỏ rời trại về định cư tại Santa Monica dưới sự bảo lãnh của nhà thờ St. Augustin by the Sea trong một cái apartment hai phòng, chị đã liên lạc ngay với bà Tippi như bà đã dặn.
“Lập tức bà Tippi tìm đến thăm gia đình mình,” chị Thuần kể qua điện thoại. “ Nhà hai phòng ngủ một phòng tắm, trẻ con chạy quanh ồn ào náo nhiệt. Bà Tippi bảo mình làm thử móng Juliet cho bà xem.” Trong vòng một tiếng, chị Thuần làm xong, và bà Tippi nói hôm sau sẽ dẫn đi xin việc.
Hôm sau, giữ lời, bà Tippi lại tới đưa chị Thuần đi xin việc tại một salon ở Brentwood. Mặc dù đã có sẵn ba thợ nhưng nể lời Tippi, chủ nhân vẫn nhận chị Thuần vào làm. Phải một thời gian chị mới tạo được một số khách quen và đã ở lại nơi này làm việc cả chục năm, “vì đây là việc bà Tippi đã giới thiệu cho mình nên mình muốn giữ và hãnh diện về nó.”
Một bữa, vào năm 1978, một người bạn của gia đình ghé qua thăm chị Thuần tại chỗ chị làm việc, chị Thuần kể. Anh Nguyễn Diễm, một cựu chỉ huy trưởng Hải quân VNCH lúc ấy đang làm trong nghề điện tử song có đầu óc kinh doanh. Chị Kiên, vợ anh, đã từng hành nghề thẩm mỹ ở Saigon trước 1975. Quan sát việc chị Thuần làm, hai vợ chồng anh Diễm bàn nhau cùng đi tìm học về nghề thẩm mỹ. Sau một thời gian hành nghề, họ quyết định lập trường dậy về thẩm mỹ, đó là trường Advance Beauty College, trường thẩm mỹ đầu tiên do người Việt lập ra ở Nam Cali. Hiện nay trường gồm hai trụ sở, một ở Garden Grove và một ở Laguna Hills, do các con là Tâm và Linh điều khiển. Trường dậy cả làm mặt, dưỡng da, làm tóc và đấm bóp cùng những môn thẩm mỹ khác, cũng như huấn luyện người huấn luyện viên. Tới nay, trường đã đào tạo khoảng 25,000 người tốt nghiệp, phần lớn về nghề làm móng tay.
Theo chân trường thẩm mỹ ABC, nhiều trường thẩm mỹ cũng đã mọc lên như nấm do người Việt làm chủ. Riêng tại Nam Cali đã có trên chục trường lớn nhỏ. Nhu cầu có nghề để tìm việc kiếm ra tiền nhanh cho bản thân và gia đình có lẽ không có nghề nào đáp ứng nhanh, ít tiền vốn và không đòi hỏi một vốn liếng Anh ngữ khá như nghề làm móng tay. Bên cạnh lại cũng có những nhà kinh doanh quay sang mở cơ sở cung cấp vật liệu cho nghề thẩm mỹ nữa, được biết khá phát đạt.
Khó mà biết trong số 20 người đầu tiên được bà Tippi Hedren bảo trợ năm nào có bao nhiêu người còn hành nghề và đã tiếp tay giúp cho nghề làm móng “lan nhanh như một đám cháy rừng” như lời chị Thuần kể. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Thuần, nay đã là bà ngoại của ba cháu và hiện chỉ còn làm việc bán thời gian và cũng chỉ nhận những người khách quen biết lâu năm, không thể không nhớ ơn người “mẹ đỡ đầu” cho nghề làm móng nói riêng và thẩm mỹ nói chung của người Việt hải ngoại, người mà chị nói đã “yêu ngay khi mới gặp lần đầu” (love at the first sight).
“Hôm gặp bà Tippi ở buổi vinh danh bà do Beauty Changes Lives tổ chức, mình đã tới lều bà Tippi nói với bà rằng, ‘Bà Tippi à, tôi xin bầy tỏ lòng biết ơn vô cùng của tôi đối với tình thương yêu bà đã dành cho chúng tôi vào năm 1975 mới chân ướt chân ráo tới đây tị nạn. Tình yêu thương ấy đã thay đổi đời tôi và đời của nhiều người tị nạn và làm cho đời chúng tôi tốt hơn. Tình yêu thương ấy còn hiện hữu tại nước Mỹ trong khi đã cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới…’.”
Được biết Beauty Change Lives đã dự tính một chương trình học bổng nhằm khuyến khích những người yêu nghề thẩm mỹ có cơ hội phát triển tài năng đồng thời vinh danh Tippi Hedren. Chương trình học bổng này mang tên là Tippi Hedren Nail Scholarship Fund, và sẽ khởi phát từ tháng 1 năm 2014.
[TD, 2013-10]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét