Nhãn

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bệnh Parkinson,không thể coi thường

Coi thường Parkinson, có ngày tàn phế



Mặc dù không phải loại bệnh nguy hiểm chết người nhưng nếu chậm điều trị, người bệnh Parkinson có thể gặp những hệ luỵ nặng nề.Người ta đã thống kê, nếu không điều trị, 61% trường hợp bị Parkinson sẽ tàn phế hoặc chết sau từ 5 – 9 năm. Và sau mười năm, tỷ lệ này sẽ là 80%. 

Nói đến Parkinson là phải nói đến chứng Parkinson (Parkinsonism) và bệnh Parkinson (Parkinson’s disease). Chứng Parkinson là một tập hợp các biểu hiện bất thường, gồm: run, giảm vận động, cứng đờ, kèm tư thế đứng và đi bất thường. Những biểu hiện này có thể thấy sau viêm não, tai biến mạch máu não, dùng thuốc điều trị tâm thần kéo dài... 

Tuy nhiên, dạng thường gặp nhất của Parkinson là bệnh Parkinson, một dạng bệnh tự phát, do thoái hoá trong hệ thần kinh. Bệnh được một bác sĩ người Anh mô tả lần đầu tiên vào năm 1817. Ông tên James Parkinson. Từ đó, người ta gọi bệnh này mang tên ông.

Trẻ hay già đều có thể mắc bệnh 

Bình thường trong não có một chất gọi là dopamine, do các tế bào não sản sinh ra. Đây là chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác trong não, giúp tế bào não chỉ huy và kiểm soát các cử động bắp thịt ở chân tay và mặt. Khi bị Parkinson, những tế bào sản sinh ra dopamine sẽ suy thoái và chết dần. 

Điều này xảy ra ở một phần rất nhỏ của não gọi là chất đen (substantia nigra). Khi thiếu dopamine, não không chỉ huy vận động cơ bắp được như bình thường. Tuy nhiên tại sao các tế bào não sản sinh ra dopamine bị thoái hoá và chết đi thì tới giờ khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính thức. Người ta cũng chưa biết tại sao chỉ có một số người mới bị mắc Parkinson.

Hiện trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh này. Bệnh thường bắt đầu lúc đã trên 60 tuổi. Tuy nhiên có khoảng 1/10 số trường hợp khởi bệnh trước 50 tuổi và rất hiếm khởi phát ở 30 tuổi. Nếu Parkinson khởi phát lúc chưa tới 50 tuổi hoặc chưa tới 40 tuổi thì gọi là Parkinson khởi phát sớm (xảy ra trước 40 tuổi thường có yếu tố di truyền). Người trẻ tuổi bị Parkinson sẽ có quá trình bệnh nhẹ và tiến triển chậm hơn so với người già. Họ cũng ít bị mất trí nhớ, lẫn, rối loạn thăng bằng… nhưng đổi lại hay bị rối loạn vận động do dùng thuốc.

Các dấu hiệu nhận diện Parkinson

Run: là triệu chứng rất hay gặp, có thể ở cả tay lẫn chân. Thường run rõ hơn khi nghỉ ngơi, như khi người bệnh để hai tay nghỉ trên đùi và nói sang chuyện khác một lúc, run các ngón tay sẽ rõ và nhiều. Khi giơ tay cầm nắm vật nào đó, run lại giảm đi. Người ta bảo run của Parkinson là run khi nghỉ, trái ngược với chứng run vô căn hoặc run của bệnh tiểu não, khi đó run sẽ tăng rõ rệt nếu bệnh nhân cố gắng dùng tay làm việc gì đó. Lúc mới bệnh thường chỉ run một tay, sau vài tháng, vài năm, sẽ run ở cả hai tay. Cũng có người bị run môi hay cằm. Tuy vậy, vẫn có gần 15% trường hợp không bao giờ run.

Cứng đờ cơ bắp: người bệnh khó quay cổ, khó xoay người khi nằm, khó làm những cử động khéo léo của các ngón tay... Dáng hơi còng xuống. Dù có cố gắng thư giãn cơ bắp tối đa thì khi thầy thuốc tìm cách gấp duỗi tay hay chân của họ vẫn thấy có sức cản rõ.

Chậm vận động: người bệnh khó khởi động các cử động, mọi việc đều làm rất chậm chạp. Khi đi, hai tay không vung vẩy như người thường mà khép sát vào thân mình. Chữ viết nhỏ dần và viết chậm. Nét mặt đờ đẫn, ít biểu lộ tình cảm khi nói chuyện, ít chớp mắt.

Rối loạn giữ thăng bằng: người bệnh ngồi vào ghế khó khăn, đứng dậy khỏi ghế cũng khó khăn, xoay trở hay đi đều dễ té.

Các triệu chứng khác: giọng nói nhỏ, khó nghe; rối loạn giấc ngủ; trầm cảm, lo âu; đau, mệt mỏi. Về sau có khó nuốt và rối loạn trí nhớ... 

Không chữa khỏi hẳn vĩnh viễn 

Parkinson là bệnh mãn tính, tiến triển không ngừng, không chữa khỏi hẳn vĩnh viễn, giống như tiểu đường và cao huyết áp. Bệnh tiến triển rất chậm, có người từ nhẹ chuyển sang nặng mất vài chục năm. Tuy Parkinson gây trở ngại sinh hoạt hàng ngày nhưng không phải bệnh nguy hiểm chết người. Cho đến nay, y học chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn. 

Tuy nhiên bằng cách dùng thuốc, đa số bệnh nhân vẫn duy trì được cuộc sống và công việc bình thường trong nhiều năm. Thuốc chủ chốt để điều trị Parkinson hiện là Levodopa. Nếu đúng bị Parkinson, thuốc sẽ có tác dụng rất tốt và kéo dài vài năm. Tuy nhiên dùng liều cao và kéo dài, có thể gây những tác dụng bất lợi. Do vậy thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân đừng vội dùng thuốc này, nhất là người trẻ. Trường hợp đã dùng rồi thì đừng vội tăng liều. Thời gian đầu nên dùng đơn độc, về sau dùng phối hợp với một số thuốc khác như Pramipexole. 

Ngoài ra, tập thể dục nhiều, càng vận động nhiều thì bệnh càng đỡ nặng. Tăng cường ăn nhiều rau và trái cây để tránh táo bón. Không ăn kiêng thịt cá nhưng đừng ăn quá nhiều một lúc, vì các chất đạm trong thức ăn có thể làm giảm hấp thu thuốc chữa bệnh.

Bệnh Parkinson nếu không chẩn đoán và điều trị đúng sẽ gây tàn phế. Nếu dùng thuốc hợp lý, ngoài chậm tàn phế, hầu hết bệnh nhân sẽ kéo dài được tuổi thọ. Khi bệnh đã nặng, thuốc không còn công hiệu, nếu người bệnh không quá già và không có suy giảm trí nhớ nặng, không có các bệnh toàn thân nặng… thì có thể xem xét điều trị bằng phẫu thuật. 

Hiện có hai kiểu phẫu thuật chữa Parkinson: gây phá huỷ một vài cấu trúc nhỏ trong não và đặt điện cực kích thích vào sâu bên trong não. Ở Việt Nam chưa phổ biến các kỹ thuật  Kết quả sau mổ có thể rất ngoạn mục nhưng cũng không loại trừ một số biến chứng: biến đổi tâm tính và hành vi, nhiễm trùng, rối loạn ngôn ngữ, nhồi máu não… 

Cách phát hiện sớm Parkinson

Cân nhắc có bị Parkinson không khi có một trong những biểu hiện sau: thay đổi biểu cảm nét mặt (nhìn không chớp mắt, nhìn trừng trừng); giảm vung vẩy ở một cánh tay khi đi bộ; dáng người hơi gù xuống, cứng và đau vai; đi kéo lết một bên chân; cảm giác tê bì, kim châm, đau, hoặc khó chịu mơ hồ ở vùng gáy hoặc ở chân, tay; giọng nói trở nên nhỏ hơn; cảm giác run bên trong cơ thể.

Ở Việt Nam hiện chưa phổ biến các phẫu thuật chữa Parkinson. Bệnh nhân thường phải sang Mỹ hoặc Pháp, với chi phí 35 - 50 ngàn đô la. Kết quả sau mổ có thể ngoạn mục nhưng cũng không loại trừ một số biến chứng.




Thơm lừng chuối nếp nướng Châu Đốc

 
Chuối bọc nếp nướng vốn là thứ quà ăn chơi của dân miền Tây, và hẳn tôi sẽ luôn nhớ về Châu Đốc với một chiếc xe hàng mưu sinh giản dị, với nụ cười hiền hậu của cô bán hàng trước đám khách đến từ phương Bắc xa xôi...
Chuối bọc nếp nướng vốn là thứ quà ăn chơi của dân miền Tây, và hẳn tôi sẽ luôn nhớ về Châu Đốc với một chiếc xe hàng mưu sinh giản dị, với nụ cười hiền hậu của cô bán hàng trước đám khách đến từ phương Bắc xa xôi...

Chuối bọc nếp nướng trên vỉ than - Ảnh: Thái Anh
Sau bữa sáng với món bún mắm nổi tiếng ở chợ Châu Đốc, chúng tôi chạy xe lòng vòng tìm quán cà phê. Tìm được quán vội nhắn địa chỉ cho bạn, rồi đứng canh ngoài đường, sợ lạ phố, lạ xá, các bạn rẽ dọc rẽ ngang mất. Bên kia đường có một bếp than củi nướng, bên trên có những chiếc bánh gói tròn đang được nướng.
Buổi sớm đường đông, mà sao thấy nhiều người dừng chân mua dăm chiếc gói vào túi nilông rồi đi. Tò mò chạy sang hỏi, mới biết đó là món chuối bọc nếp nướng, giá 5.000 đồng/cái.
Lúc chạy xe đi tìm quán cà phê đã thấy dọc phố hay có những bếp nướng gọn nhẹ thế này. Xem ra đây là món ăn sáng khá phổ biến ở thị trấn miền tây bên bờ sông Hậu? Có lẽ vì nó tiện dụng, ngon miệng, lại giá rẻ nữa. Mỗi một quầy hàng chỉ cần có một bếp nướng than củi cỡ 40x100 cm, trên vỉ sắt là những chiếc bánh xếp đều bên nhau. Mùi nếp nướng bọc trong lá chuối tỏa ra thơm nức, kích thích cái dạ dày đói meo của buổi sớm mai.
Người phụ nữ bán hàng vừa nhanh tay trở những chiếc bánh nướng trên mặt bếp, vừa hối hả gói hàng cho khách, vừa giải thích cho chúng tôi biết món bánh chuối nướng được làm thế nào.
Trông thì đơn giản nhưng muốn có món chuối nướng bọc nếp ngon cũng khá kỳ công. Chuối được bóc vỏ, bọc một lớp cơm nếp nấu chín thơm mùi nước cốt dừa, gói vào trong lá chuối, dùng que tăm ghim hai đầu lại rồi nướng trên bếp cho đến khi bề mặt nếp se lại, vừa đủ vàng và giòn. Thông thường khi đó lá chuối xanh đã khô lại, chuyển sang màu nâu cháy. Lớp cơm nếp bọc ngoài phải vừa độ mỏng, sao cho khi ăn không bị ngấy.
Bóc lớp lá chuối nóng hổi và thơm phức ra, tôi cắn một miếng chuối nướng bọc nếp ngập chân răng và xuýt xoa vì nóng. Vị ngọt thanh của chuối, thơm ngon của nếp trong mùi cốt dừa, cái dai dai, ngầy ngậy khiến tôi không khỏi bất ngờ. Một món ăn dân dã vỉa hè, rẻ mà lại ngon đến thế!

Bếp nướng đơn giản bên đường - Ảnh: Thái Anh
Tôi mua một bịch mang vào quán cà phê để bạn bè cùng thưởng thức. Anh bạn người miền Tây cười cười bảo muốn ăn ngon nữa thì cầu kỳ thêm một chút. Xắt miếng chuối nướng nếp ra, chan nước cốt dừa và rắc thêm chút đậu phộng giã nhỏ, vừa bùi, vừa béo ngậy hơn nhiều.
Nhưng có lẽ cũng giống như những người dân Châu Đốc bình dị đang dừng xe mua vội vài trái chuối bọc nếp nướng kia cho bữa sáng, chúng tôi ai nấy cũng thích tự mình bóc tấm lá chuối bên ngoài ra để nhẩn nha ăn cho bằng hết.
Chỉ cần ăn hết một chiếc đã thấy chắc bụng và không có nhu cầu ăn tiếp nữa. Có lẽ chính cái thơm lừng, béo ngậy của chuối bọc nếp nướng đã kích thích cái vị giác, khứu giác nhanh chóng đạt đỉnh và khiến người ăn ngang dạ. Tôi gói lại hai chiếc bỏ trong balô, đợi khi đói bụng lại ăn tiếp món quà lót dạ thơm thảo và lạ miệng này.
Theo Băng Giang (tuoitreonline)

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Ikimiki card của Thanh Điệp

Điệp làm Ikimiki Card tặng Toàn-Cảnh.

Nhớ mùa hoa phương cũ

                                                               Nhớ mùa hoa phượng cũ .
   Nhìn những cành hoa phượng tím nở trên đường đi ,lòng tôi chợt nhớ đến mùa hoa phượng  đỏ năm 1965 ở sân trường Sư Phạm Saigon  lúc chúng ta ,những giáo sinh khóa 2 sắp sửa ra trường trong  mùa hè năm đó
Chúng tôi là những nữ sinh vừa trãi qua một khóa sư phạm ,lòng tràn ngập niềm vui nghề nghiệp"yêu nghề mến trẻ"sẳn sàng với công việc sắp tới của mình
Rồi ngày nhận nhiệm sở cũng đến .Đó là ngày 13 tháng 9 năm 1965 .Các giáo sinh được nhận nhiệm sở công khai ở hội trường của Trường  Sư Phạm Saigon theo kết quả xếp hạng .của kỳ thi cuối năm .Tôi chọn về Ty Tiểu Học Thị Xả Thủ dầu một  thuộc tỉnh Bình Dương vì nghỉ rằng mình sẽ về dạy gần nhà để sống với gia đình .Nhưng trời không chiều lòng người và tôi ,chị Việt Nga ,Tuyết Hà và anh Hà Huy Quang phải về dạy tại trường tiểu học Bến Cát thuộc huyện Bến Cát của tỉnh Bình Dương .Nơi đây là một vùng đang có chiến tranh ,nhưng với tinh thần yêu nghề ,mến trẻ ,tôi đã trải qua 2 mùa phượng nở ở đây Năm đầu tiên đi dạy ,tôi được về nhà nghỉ hè hơn 2 tháng .Hết hè .chúng tôi lại tiếp tục trở lại làm việc tại trường cũ để tiếp tục công việc của mình .Sau 2 năm ở đây ,tôi được chuyển về dạy tại thị xả Thủ dầu Một  thuộc tỉnh Bình Dương .
   Thời gian trôi qua ,sau năm 1975 , thời gian  hè ,các thầy cô giáo phải đi học chính trị ,nghiệp vụ ở Ty Giáo dục  .Cho nên mùa hoa phượng không còn là mùa nghỉ ngơi nữa .
Đến năm 1993 ,tôi và gia đình đi định cư ở nước ngoài .Mỗi lần nhìn hoa phượng nở dù màu đỏ hay màu tím ,lòng tôi vẫn nhớ về ngôi trường Sư Phạm Saigon năm xưa ,nơi tôi đã miệt mài  những năm tháng để rèn luyện cho mình một tư cách đạo đức tốt để đào tạo thế hệ tương lai và nhất là để dạy dỗ  các con và các cháu sau nầy .Tuy nhiên ,tôi không bao giờ quên các bạn đã cùng tôi ngồi học dưới mái trường Sư Phạm ngày xưa .Nhưng giờ đây ,với tuổi già ,sức yếu ,kẻ còn người mất ,mỗi người một phương trời ,biết đâu mà tìm Những người bạn cùng ở trọ với tôi như Kim Liên ,chị Phượng .Những người bạn dạy chung trường như Tuyết Hà ,Huy Quang  không tìm thấy nữa ..
   Rất mong một ngày nào đó ,chúng ta còn có cơ hội gặp lại nhau đê ôn lại những kỉ niệm của chúng ta ngày xưa để cùng nhau cười đùa vui vẻ .
   Mùa hoa phượng đến là thời gian để thầy cô và học trò nghỉ ngơi sau một năm dài học tập Các thầy cô đi du lịch về thăm gia đình .Các em nhỏ nghỉ ngơi vui vẻ ,tham gia sinh hoạt cộng đồng ,làm công việc xã hội ,học thêm để trau dồi kiến thức .Các em lớn  tìm việc làm sau khi tốt nghiệp
   Nhìn chung , chúng  ta ,những người cao tuổi thường nhớ lại những kỉ niệm xa xưa để chúng ta đỡ bị bịnh lú lẫn là một căn bịnh rất thường xảy ra Mong rằng bạn nào cũng có những kỉ niệm đẹp trong những ngày bãi trường ngày xưa khi nhìn thấy những cành hoa phượng nở .
   Từ Cảnh (Tháng  7 năm 2013 )






Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Nhật Bản vào Xuân

Đã vào giữa tháng 4, mùa xuân đã đến nhưng vùng Bắc Mỹ (Seattle, Vancouver - Canada) vẫn còn lạnh và mưa.
Hoa tulip vùng Bắc Mỹ chưa nở nhưng ở Nhật đã có nắng ấm nên sau hoa anh đào là tulip, shibazakura, tsutsuji (azaela) sẽ lần lượt khoe sắc mùa xuân.

Chia xẻ vài hình của Kota-G chụp ngày Chủ nhật 14/4/2013 vừa qua tại Showa Kinen Park / 昭和記念公園

























































Cũng ở Công viên Kỷ Niệm Chiêu Hòa chụp ngày 9/4/2013














Dười đây là hình ở Công viên Kỷ Niệm Chiêu Hòa của fum-my chụp ngày 14/4/2013
































Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nỗi Buồn Angkor (từ thanh niên Online)

Tôi đến Campuchia theo tiếng nhạc nền rải đều trong In The Mood For Love (*), dự định sẽ kiếm cái lỗ nào đó để ghé miệng vào mà thì thầm tâm sự, nhưng rốt cuộc lại thấy mình nhỏ bé lặng người ngồi nghe câu chuyện buồn của Angkor hằn lên những vệt rêu phong phủ dày.

1. Chuyến xe đò đi qua cửa khẩu Mộc Bài, tiến về Phnom Penh - thủ đô Campuchia. Vừa ra khỏi Việt Nam, thật dễ dàng bắt gặp vô số sòng bạc nằm vất vưởng hai bên vệ đường, và không một chút gì lấp lánh. Đi giữa thành phố Phnom Penh, anh bạn chung đoàn quay sang đùa với mọi người rằng: “Làm ơn kiểm tra giùm, đây chắc chắn là xe Sài Gòn tới Phnom Penh chứ?”. Thật vậy, ở Phnom Penh, người ta nói tiếng Việt lưu loát. Họ xài đồng tiền Việt, ăn đồ Việt… Thậm chí, một siêu thị khá lớn gần đại lộ Sihanouk đề hẳn chữ Việt Nam ngoài biển hiệu.

Thần Bayon, vị thần của đất nước Campuchia - Ảnh: Tiến Trình
Campuchia mùa mưa. Đoạn đường từ Phnom Penh đi Siem Reap, qua làn mưa lất phất, tôi nghe được mùi đất hoang hoải mỗi lúc thêm nồng, như có lần xa xôi lắm, từ tâm trí, mình đã trôi dạt đến một vùng quê y thế - một vùng quê Việt Nam. Đồng chiêm nước trũng, rạch mương chằng chịt, những căn nhà sàn yếu đuối dần đi trong ánh chiều tà... Bác tài Khmer đang say sưa trò chuyện với ba người khách vừa đón dọc đường. Em trai tôi, 21 tuổi, lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài, và dù rất cố gắng, nó vẫn không che giấu nổi vẻ thất vọng. Sau bảy tiếng đồng hồ ngồi rệu rã trên xe đò, đoàn lữ khách cuối cùng đã được yên vị trên chiếc tuk tuk di chuyển trong địa phận tỉnh Siem Reap.
2. Angkor thời khắc bình minh đẹp sững sờ! Không cần và không nên bày tỏ thái độ khiếm nhã với kỳ quan tuyệt mỹ này bằng quá nhiều lời khen thông thường. Nếu như ở Ấn Độ, đền Taj Mahal là món quà tình yêu vĩ đại mà hoàng đế Shah Jahan gửi tặng hoàng hậu quá cố Mumtaz Mahal thì tại Campuchia, quần thể Angkor tựa một chứng tích hùng hồn về tình yêu bất diệt của cả dân tộc Khmer dành cho thần linh. Nhân loại bảo nhau, di sản lớn nhất của đế quốc Khmer chính là kinh đô Angkor, lịch sử Angkor cũng đồng thời là lịch sử của cựu đế quốc lớn mạnh nhất nhì khu vực Đông Nam Á này.  Được ví như sức mạnh và sự thịnh vượng của đế quốc Khmer, song, không một mảnh đất nào thuộc Angkor thiếu vắng đi hơi thở của tôn giáo.
Vùng đất Angkor mang trong mình rất nhiều tín ngưỡng: Hindu giáo, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Nam tông du nhập từ Sri Lanka vào thế kỷ 13. “Đế thiên” Angkor Wat -  nơi thờ thần Vishnu có thiết kế theo kiến trúc Khmer với bao lơn tạc hình rắn Naga bảy đầu, năm ngọn tháp chính tượng trưng cho rặng núi thiêng Meru, khắp mặt tường đầy những bức phù điêu được chạm trổ hết sức sống động: Tiên nữ Apsara ngực trần nhảy múa, trận chiến Sita trong sử thi Ramayana, hay nhiều truyện xưa tích cũ phát xuất từ Hindu giáo... Bao quanh Angkor Wat là hồ chứa nước xanh thẳm, như thể nó nằm yên ở đó, quanh năm suốt tháng chỉ gánh mỗi việc làm gương để đền đài soi mình.“Đế thích” Angkor Thom lại mang dấu ấn Phật giáo Đại thừa, nổi bật với hình mẫu thần Bayon. Theo ghi chép của Chu Đạt Quan - một sứ thần Trung Hoa đã lưu lại kinh đô Angkor trong vòng nửa năm, các tháp Bayon từng được dát vàng. Các đền chùa khác gần Bayon là: Ta Prohm, Baphuon, Tep Pranam... có phần cũ kỹ hơn,  đặc biệt Ta Keo - ngôi đền đầu tiên của Angkor được xây hoàn toàn bằng sa thạch đang phải đóng cửa trùng tu.
Tôi mê đắm di tích, vô tình bỏ qua cậu bé Khmer gầy gò, đen nhẻm cầm xấp bưu thiếp đứng trước cổng lớn Angkor Thom chào mời.

Angkor Wat lộng lẫy buổi bình minh - Ảnh: Tiến Trình
3. Hơn một lần hoài nghi, quả thực là tại đất nước nghèo nàn này từng tồn tại một đế chế hùng mạnh bậc nhất khu vực giai đoạn từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15 ư? Sang Campuchia ngay thời điểm đất nước họ bận rộn tranh cử, cứ cách vài cây số lại được nghe loa phát thanh rộn vang bài hát tuyên truyền. Đảng viên đi vận động tranh cử: ô tô có, xe máy có, xe đạp cũng có. Chợt nghĩ đến người sáng lập ra kinh đô Angkor xưa - vua Jayavarman II - người từng tự xưng Chakravartin, tức vua thiên hạ bằng một lễ đăng quang theo hình thức Hindu giáo, thay cho lời tuyên bố độc lập của Vương quốc Khmer thoát khỏi Vương triều Java (vua Jayavarman II xuất thân là hoàng tử của triều đại Sailendra ở Java).
Tiếp đó, đế quốc Khmer không ngừng mở rộng lãnh thổ. Về phía tây, đế quốc Khmer trải dài đến tỉnh Lopburi thuộc Thái Lan ngày nay, về phía nam là eo đất Kra. Thời kỳ mà Việt Nam ta dốc lòng dốc sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, bên nước láng giềng, đế chế của họ đương mải mê cuộc chinh phạt các quốc gia lân bang: Vương quốc Haripunjaya, vương quốc Pagan, bán đảo Malay, vương quốc Grahi, nhiều tỉnh Chăm pa, biên giới phía bắc Lào… Các công trình nghệ thuật của người Khmer thì kỳ vĩ, chưa kể đến khoảng 10.000 tượng Phật đã bị vua Jayavarman VIII - một tín đồ Hindu giáo phá hủy. Hình ảnh những căn nhà sàn xiêu vẹo bỗng chốc đông cứng, rồi đột ngột đổ nhào, tựa chiếc búa đập dồn dập trên nền xi măng cán mỏng.
4. Nhiều sử gia cho rằng, việc xây dựng các công trình tốn kém cùng những xung đột quyền lực trong nội bộ hoàng gia đã đặt dấu chấm hết cho đế quốc Khmer, Campuchia để mất Angkor vào tay Xiêm La là kết cục tất yếu. Sau nhiều cuộc tiến công vào đế quốc Khmer, năm 1431, Vương quốc Ayutthaya của người Thái đã chiếm được Angkor. Vương triều Khmer buộc phải di dời về phía nam (thủ đô Phnom Penh ngày nay). Đế quốc Khmer sụp đổ, kéo theo sự suy tàn và thu hẹp đất đai liên tục của Campuchia giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Và suốt nhiều thế kỷ trôi qua, dân tộc Khmer chưa bao giờ khôi phục lại được huy hoàng từng có trong quá khứ của mình. Liệu có phải, bất hạnh luôn nảy mầm trong nguồn vui? Đỉnh cao vàng son cũng chính là nguyên do lụi tàn?
Trước đền thờ Baphuon, tâm trạng em trai tôi dường như đã khác. Tôi không hiểu tâm tư của một cậu thanh niên, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng sự rung động đồng điệu của mỗi con người đặt chân đến nơi đây. Hàng triệu du khách thán phục ngước nhìn bốn mặt Bayon, còn Bayon từ trên cao ấy hiền lành nhìn xuống dân tộc mà mình bảo bọc. Angkor nằm sừng sững, ngày ngày kể cho nhân thế nghe câu chuyện về những vị vua Khmer kiêu hùng. Những vị vua kia cũng đang hiện diện trong xấp bưu thiếp trên tay cậu bé Campuchia gầy gò, đen nhẻm đứng ngơ ngác ở cổng thành Angkor Thom hôm đó.
Những thước phim quay chậm. Angkor nhuộm màu hoàng hôn u buồn khép sau dòng độc thoại của nhân vật Châu Mộ Văn, thay cho lời kết đầy ám ảnh: “Anh ấy nhớ tháng ngày đó, như nhòm qua ô cửa sổ bám bụi. Quá khứ là thứ người ta có thể nhìn nhưng không thể chạm vào”.
Nguyễn Khắc Ngân Vi
(*) In The Mood For Love, phim của đạo diễn Vương Gia Vệ mang về cho tài tử Lương Triều Vĩ giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2000. Trong phim, Lương Triều Vĩ thủ vai nhà văn Châu Mộ Văn -  người đàn ông ôm cuộc tình ngang trái với một phụ nữ đã có chồng. Phim được đánh giá là một trong những phim tình cảm lãng mạn hay nhất qua mọi thời đại của điện ảnh châu Á.  

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Lái Thiêu với người Saigon xưa - Nam Sơn Trần văn Chi



Lái Thiêu với người Sài Gòn xưa

» Tác giả: Nam Sơn Trần Văn Chi
» Dịch giả: 
» Thể lọai: Văn hoá
» Số lần xem: 28735
Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo, cưới vợ Lái Thiêu (Ca dao)

Năm xưa, có bao chàng trai người Minh Hương bỏ tiền ra mua cho được chiếc giường lèo (giường bằng gổ, có chạm trỗ) với ước mong cưới được những cô con gái Việt hương sắc ở Lái Thiêu ? Không ai biết. Có điều tôi biết chắc là người Sài Gòn xưa mong cuối tuần đi Lái Thiêu đổi gió và ăn trái cây, nhứt là cứ độ từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa trái cây ở Lái Thiêu chín rộ.

Đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Đất Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Phần với đồng bằng sông Cửu Long nên thế đất bằng phẳng hơi dốc, có độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Và Lái Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trải rộng trên diện tích 1,250 ha.

Thuở trước, Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một. Đến tháng 12 năm 1899 tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tới thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Bình Dương (là một trong 22 tỉnh của Nam Phần Việt Nam được thiết lập theo Sắc lịnh số 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956) bao gồm tỉnh Thủ Dầu Một và một phần tỉnh Bình Long, có 5 quận, tỉnh lỵ là Phú Cường. Người Bình Dương trong lịch sử của mình đã làm nên di sản văn hóa miệt vườn “đặc trưng miền Đông” và làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, đồ gốm và tranh sơn mài, tiếng tăm vang lừng cả nước cho tới ngày nay.

Lái Thiêu cách Sài Gòn khoảng 20 km, thuở xưa là nơi nghỉ cuối tuần tuyệt diệu “dành riêng” cho người Sài Gòn. Lái Thiêu còn nổi tiếng là điểm hò hẹn của các lứa tuổi… Lái Thiệu tuyệt vời như thế nhưng hồi đó đâu phải người Sài Gòn nào cũng biết thưởng thức Lái Thiêu đâu!

Qua khỏi cầu Bình Triệu, theo Quốc lộ 13 đi khoảng 20 phút chúng ta sẽ đi vào Lái Thiêu, một vùng đất vườn cây xanh tốt, mát lạnh (trung bình 26 độ, mùa tết 24 độ C), không khí trong lành. Vào trong làng, sâu vào là những nhà vườn, nơi đây có sông có rạch đưa nước len lỏi vào từng góc vườn, có những con đường đất đỏ quanh co theo các lùm cây rợp bóng trái trĩu trên đầu…

Người Sài Gòn đến Lái Thiêu một phần vì tiếng đồn “Sầu riêng Lái Thiêu”.

Quả không sai! Nói đến Lái Thiêu không thể không nhắc cái tên “Sầu riêng Lái Thiêu”. Trái sầu riêng ở đây được liệt vào hàng ngon, bổ nhứt và đắt giá nhứt. Sầu riêng trồng được ở Lục Tỉnh nhưng trái không ngon bằng sầu riêng trồng ở Lái Thiêu.

Người Pháp gọi trái sầu riêng là Durian, hay Durion. Người Việt mình gọi là sầu riêng, và phải chăng tiếng “sầu riêng” do ta đọc trại từ tiếng “Djoerian” của người Malaysia mà ra chăng? Trái sầu riêng không giống trái mít như có người lầm tưởng!

Cây sầu riêng có tên khoa học là Durio Zibethinus, hay Durio Capparis thuộc họ thảo mộc Malvacées hay Bombacacerae, cùng họ với cây gòn- gạo, cây bông vải. Bổ tách trái sầu riêng ra, bên trong có nhiều múi như trái gòn, trái bông vải.

Cây sầu riêng nguyên thủy mọc ở rừng Malaysia, người ở đây gọi là cây Djoerian. Người Tàu sang Malaysia buôn bán, họ mang hột về trồng tại Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, có một số cố đạo truyền giáo Gia Tô theo vô xứ Lái Thiêu, và những nhà truyền giáo nầy đã mang nhiều giống cây trái lạ từ các xứ khác vào đây, trong đó có cây sầu riêng. Người Lái Thiêu kể lại, vào năm 1890 có cố đạo người Pháp tên là Cernot đem hột sầu riêng từ xứ Nam Dương về trồng ở họ đạo Tân Quy. Có lẽ đây là cây sầu riêng đầu tiên của Lái Thiêu?

Cây sầu riêng cao lớn tới 20m. Lá hình bầu hơi dài, hoa mọc ở nhánh, trái to, vỏ có gai rất nhọn. Trái cho nhiều múi, mỗi múi có từ 1 đến 5 hột như hột mít. Hột có bao bọc một lớp cơm mềm, màu trắng vàng óng như màu mỡ gà, giống như múi mít mật, mít ráo.

Sầu riêng chín có mùi rất đặc biệt, gọi là mùi sầu riêng. Mùi xuất phát từ lớp cơm sầu riêng, bay xuyên qua vỏ tỏa ra ngoài. Mùi sầu riêng mạnh hơn mùi mít, người thích thì khen là thơm, ai không ưa thì cho là mùi “khó chịu”. Nói gì thì nói là hễ đã "chịu ăn" sầu riêng rồi thì thấy nó ngon-bùi-béo-thơm và ghiền luôn ...

Cây sầu riêng trổ bông ba đợt trong một năm, cho 60 đến 90 trái. Từ khi trổ bông đến khi trái đậu là 20 đến 25 ngày, và từ ngày trổ bông đến ngày kết trái và chín là 5 tháng. Mùa sầu riêng từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Sầu riêng khi “chín mùi” thì tự nhiên ban đêm rụng xuống gốc. Chủ vườn không ai để trái chín mùi cả, mà cắt sầu riêng trước khi chín, nhiều khi trái đem đi bán hãy còn xanh là vậy.

Mua sầu riêng phải là “người chuyên môn” mới biết trái sầu riêng nào ngon. Sầu riêng chín già bao giờ cũng ngon hơn trái non đem “dú ép” cho chín giả. Trái già nhìn vỏ có màu vàng đậm, gai nở cách xa nhau, gay to và đều. Trái vỏ còn xanh thì phần nhiều ruột chưa chín hết, cơm mỏng và không mềm. Cho nên khi mua, có người đòi người bán khoét một lỗ - gọi là thử: coi màu sắc, coi cơm cứng hay mềm, nếm ngọt lạt ... Vây mà nhiều lúc vẫn bị lầm!

Có người cho rằng sầu riêng ăn rất bổ, giúp nhuận tràng, ăn vô thấy hết mệt nhọc. Những người mà da khô hay nứt nẻ, có gai, nhất là phụ nữ, ăn nhiều sầu riêng sẽ làm cho da nhẵn mịn. Ngày xưa phụ nữ ở Malaysia thường lấy cơm của trái sầu riêng và mỡ của trái bơ làm thuốc xoa bóp cho da trở nên mịn, đẹp, chắc và bóng mịn.

Măng cụt Lái Thiêu cũng là trái cây níu kéo người Sài Gòn.

Măng cụt loại trái cây được xem là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới, trái có hình dáng đẹp dễ thương và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Trái măng cụt chín có màu tím sẫm nhìn bắt mắt, bổ ra bên trong màu trắng tinh gợi cảm, hương thơm dịu mát quyến rủ, và bạn có thể ăn no mà không sợ đầy bụng.

Măng cụt Lái Thiêu trồng theo kỷ thuật cách 6-7m/cây theo hình vuông, tàn cây không được giáp nhau nên phải tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Măng cụt được trồng từ hột cũng có đặc tính giống như cây mẹ, độ 8 - 10 tuổi mới cho trái. Cây măng cụt trổ bông thay lá vào tháng 2, tháng 3. Mùa trái chín từ tháng 5 đến tháng 7.

Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới thì măng cụt (Garania Mangostana Linn) là 1 trong 10 “siêu trái cây”, vì măng cụt là sự kết hợp hoàn hảo về nhiều mặt như: hương vị thơm ngon đặc sắc, hình dáng và màu sắc đẹp mắt, giàu dưỡng chất, có khả năng chống oxy hóa và giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh tật. Vỏ măng cụt được xắt lát, sấy khô, rồi nghiền thành bột trị bệnh kiết lỵ.

Măng cụt không chỉ có ở Lái Thiêu miền Đông, mà còn được trồng vùng Lục Tỉnh như Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, và trong đó Bến Tre măng cụt trồng xen trong vườn dừa lão. Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 4,500 ha đất trồng măng cụt, chiếm 77% diện tích cả nước vì ở Bến Tre cây măng cụt phát triển rất tốt.

*

Giai thoại kể rằng vào đầu thế kỷ 17, Lái Thiêu bấy giờ còn là một vùng đất hoang với bạt ngàn rừng rậm. Trong số những người Minh Hương đầu tiên đến lập nghiệp ở Lái Thiêu, có gia đình của một người đàn ông họ Lục làm nghề gốm. Con trai của ông là Lục Thành Tài đã đem lòng yêu một cô gái người Việt, nhà ở bên kia sông Rạch Tra. Hàng ngày, cô gái thường chèo ghe, chở mắm, khô đến bán cho lò gốm. Gia đình hai bên biết được, đều ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết tâm tìm đến nhau. Cuối cùng, mối tình của họ đã phải kết thúc bằng hai cái chết bi thương.

Sau đó, trên mộ hai người mọc lên một loài cây lạ, trái của nó có vỏ ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong thì thơm ngon đến lạ lùng. Người dân địa phương đã đặt tên cây là sầu riêng để tưởng nhớ tới mối tình chung thuỷ của đôi trai gái và Lái Thiêu cũng nổi danh về trái cây từ đó.

Cây sầu riêng cao trên 20m, trái nặng từ 2 – 5kg, khi chín tự rụng xuống. Điều kỳ lạ là trái sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm nên không hề có trường hợp rơi vào đầu người. Người cho đó là do sự linh nghiệm của chàng trai Minh Hương và cô gái Lái Thiêu.

                                                  ***

Đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Lái Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trái. Lái Thiêu xưa là nơi hò hẹn của người Sài Gòn. Lái Thiêu là nơi người Sài Gòn cuối tuần đi đổi gió.

Lái Thiêu giờ đây ngày nào cũng phải đón khách, và đang chịu sự hủy hoại môi trường!

Lái Thiêu của người Sài Gòn xưa giờ đây phải chăng chỉ còn là kỹ niệm để nhớ để thương? Tiếc thay!
trái dâu-1 trong những đặc sản Lái Thiêu



Hoa thành Thơ

 
Hoa Tường Vi

Trắng với hồng và tim tím nhạt
Tựa màu mây phiêu lãng cuối trời xa
Hoa tường vi như thực lai như mơ
Cùng tôi sống suốt một thời trẻ dại
Vóc nhỏ nhắn trước tầm gió thổi
Tôi hiểu điều trong lá nói lao xao
Ở nơi nào hỡi điệu ca dao
Từng ca ngợi một loải hoa chưa có
Hoa phảng phất mối tình trong truyện cổ
Mang lỡ lầm oan ức đã xa xôi
Hoa tường vi thời trẻ dại của tôi
Bên mái rạ một mảnh vườn hẻo lánh
Ngày mưa bụi khắp nẻo đường vừa tạnh
Những cụm hồng, cụm tím lẫn màu xanh
Tôi có hoa bè bạn bên mình
Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói.

Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi
Qua thời gian - tóc thoáng sợi màu mưa
Hoa tường vi của những ngày xưa.
Tôi vẫn nhớ một màu mây phiêu lãng.

(Xuân Quỳnh)

hoa-tuong-vi.jpg
----------------

HOA ANH ĐÀO

Đêm qua một đóa anh đào
Rưng rưng cánh lệ rơi vào giấc mơ
Thấm vào ướt đẫm mắt thơ
Tỉnh ra buốt lạnh...bơ vơ đêm dài

2Q==.jpeg


HOA CÚC VÀNG
Bên em một đóa cúc vàng
Sẫm vào màu nắng thu sang tặng người
Mới hay tình cảm đất trời
Hòa vào bông cúc dâng mời, người ơi

Z.jpeg

HOA NGỌC LAN
Trắng thơm giọt sữa trời cao
Lẫn vào vòm lá dì dào thẫm xanh
Hương nồng đã quện vào anh
Xin làm ngọn gió trong lành bên em


9k=.jpeg

HOA SEN
Sen hồng, sen trắng, sen vàng
Chung hương thơm ngát khẽ khàng vương vương
Lắng sâu về chốn ngọn nguồn
Từ miền bùn tối ủ hương dâng đời

Z.jpeg

HOA QUỲNH
Quỳnh ơi, tan trắng vào đêm
Thắp lên ngọn lửa ấm êm tình đời
Tỏa hương an ủi phận người
Làm tươi mát lại đất trời nặng đau

images.jpeg


Ôi chao ôi, nhiều, nhiều lắm… Nhưng em vẫn yêu cái tên thân thương mà người Việt gọi cho em: Hoa Thúi địt.
http://farm1.static.flickr.com/57/222988012_fd30fcdb72_o.jpg
Nói ra không phải là em khoe khoang gì, chẳng qua là để các bác biết em xuất thuân thuộc hàng hoàng tộc. Thật sự em tên đầy đủ của em theo danh pháp chánh thống là Paederiatomentosa Blume. Đây này, gia phả tại Plants Profile ghi rất rõ ràng:





Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Chợ Thủ -nữa đêm về sáng (nguồn Binhduong xưa)

Chợ Thủ - Nửa đêm về sáng



Chợ Thủ Dầu Một từ xưa đã được coi là độc đáo có một không hai của miền đất Nam Kỳ. Bởi, nơi đây có sông Sài Gòn quanh năm nước xanh như tấm gương soi bóng, bên rừng lim xẹt, dầu đỏ... gió thổi vi vu, với kiểu dáng kiến trúc lãng mạn, kết hợp nhuần nhuyễn nền văn hóa Đông – Tây. Chợ Thủ cũng là chợ duy nhất ở miền Nam trên nóc có xây cột ba mặt gắn đồng hồ vuông theo phong cách Pháp. Người Thủ Dầu Một hơn 40 tuổi chẳng ai có thể quên cái hồi còn chạy lon ton theo bà, theo mẹ ra chợ Thủ trên chiếc xe ngựa lốc cốc trong buổi sáng tinh sương, để từ đó nên thơ, nên nhạc:

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

Đưa về chợ Thủ bán hũ, bán ve

Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu.

Như nhiều khu trung tâm buôn bán sầm uất xưa nay của vùng Đông Nam Bộ, chợ Thủ Dầu Một theo dòng thời gian gắn liền những biến động thăng trầm, chứng kiến sự phát triển kinh tế xã hội, là biểu hiện sinh động nhịp sống văn minh đô thị của người Bình Dương. Bên cạnh góc nhìn vào ban ngày, chợ Thủ còn có một góc nhìn khác rất độc đáo, đó là lúc: nửa đêm về sáng.

0 giờ, một đêm giữa tháng 7, chúng tôi đến với chợ Thủ, ở phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một. Dưới ánh đèn cao áp và cái se lạnh của thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới, các tiểu thương bắt đầu dọn hàng. Chợ Thủ nửa đêm về sáng kéo dài từ vòng xoay ngã 6 đến đường Trần Hưng Đạo và nối qua đến tận đường Bạch Đằng. Hàng bán ở đây chủ yếu là rau, củ, trái cây được chở đến từ những vùng lân cận thị xã Thủ Dầu Một.
Sau khi dọn hàng, một số tiểu thương tranh thủ chợp mắt khi chưa có khách. Thế nhưng, có những người dọn hàng rất nhanh, dư dả thời gian mà vẫn không sao chợp mắt được, cứ ngồi chăm chút lại mớ hàng của mình. Ông Võ Văn Tài, nhà ở phường Phú Thọ, cứ đến 12 giờ là ông cùng với chiếc Citi cũ kỹ chở hàng ra chợ bán. Gọi là hàng cho “oách”, chứ thật ra, ông dọn ra chỉ vài nhánh cau, mấy nải chuối và dăm ba tép sả trong vườn nhà. Vậy mà, với mớ hàng này, ông Tài đã gắn bó với chợ Thủ nửa đêm từ hơn 40 năm nay nuôi sống cả gia đình.

Ngồi gần bên ông Tài là bà Lê Thị Tiện, bán rau củ. Bà gắn bó với chợ Thủ nửa đêm cũng đã hơn 20 năm nay. Là giáo viên, nghĩ hưu mất sức từ năm 1983. Đến năm 1984, bà cùng chồng rời quê hương Thanh Hóa vào Bình Dương. Nghĩ hưu sớm khi con còn nhỏ, nên bà vẫn bươn chãi buôn bán hàng bông ở chợ đầu mối Phú Hòa để nuôi con. Đến năm 1990 thì bà mở một hàng rau ở chợ đêm Thủ Dầu Một. Từ những đồng tiền chắt chiu ở đây, bà đã nuôi 3 người con của mình vào Đại học. Giờ, các con đã trưởng thành, bà có thể nghĩ ngơi. Thế nhưng, mỗi đêm bà vẫn đều đặn có mặt tại chợ Thủ. Giờ giấc chính xác như đã được mặc định.

Ông Tài, bà Tiện … minh chứng một điều rằng: gắn bó với chợ, không chỉ là cuộc mưu sinh, mà đó còn là vì một thói quen khó bỏ, ăn sâu vào máu thịt. Với nhiều người, được lắng nghe âm thanh chợ Thủ, được hít thở không khí chợ Thủ nữa đêm đã trở thành niềm vui sống mỗi ngày.

2 giờ sáng.

Không chỉ những người bán hàng lâu năm, chợ Thủ nửa đêm còn có những người còn rất trẻ. Và, hẳn là người trẻ thì không phải nhớ nhung gì không khí chợ đêm. Họ, đến chợ, chính xác vì mưu sinh. Mỗi người một cảnh: một mình, một sạp hàng cũng có; cùng với cha mẹ bán hàng cũng có. Nhưng, điểm chung là ai cũng mong mau bán hết hàng để về nghĩ ngơi, vì còn có nhiều công việc của ngày mới chờ đợi họ.

Và rồi, theo thời gian, những người trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát này sẽ thay cha, thay mẹ của họ, tiếp tục công việc mà bao nhiêu năm qua, cha mẹ họ đã gắn bó.

Người mua hàng ở chợ Thủ nửa đêm về sáng này cũng là những người rất đặc biệt. Người mua – người bán đều là bạn hàng lâu năm. Cứ người mua đến – người bán hàng tự biết phải cân bao nhiêu, tính giá bao nhiêu, rồi để lên xe của người mua. Không trả giá, không cãi vã, không ồn ào như chợ ngày.

Trong số rất nhiều người mua hàng, chúng tôi ấn tượng với bà Tám, gần 80 tuổi mà bà vẫn còn hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà đi hết hàng này, đến hàng khác chọn đồ để đem đi bỏ mối ở chợ Bà Chiểu. Từ khi bà 35 tuổi, bà đã làm công việc này.

Người bán hàng lâu năm – Người bán hàng trẻ tuổi – Người bán – Người mua. Mỗi người, mỗi phận đời là một nét vẽ điểm tô cho bức tranh chợ Thủ nửa đêm về sáng càng thêm độc đáo mà hiếm tìm thấy ở một ngôi chợ nào khác.

3 giờ.

Rau, củ quả được tập kết về chợ ngày càng nhiều. Bạn hàng đến mua hàng cũng ngày càng đông dần. Khó khăn lắm, người đi chợ mới lách qua được những con đường. Chúng tôi gặp gỡ vài cụ cao niên bán hàng ở đây, hỏi chuyện thì không ai nhớ chính xác chợ Thủ nửa đêm được hình thành từ khi nào. Theo trang web sửgia.vn của Hội khoa học lịch sử Bình Dương, lúc khởi nguồn, chợ Thủ Dầu Một được gọi là chợ Phú Cường, xuất hiện vào khoảng năm 1838. Đến năm 1889, tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, chợ Phú Cường trở thành chợ tỉnh Thủ Dầu Một. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, nhận thấy việc đầu tư vào chợ có lợi lớn, họ đã tiến hành phục hồi và biến đổi hoàn toàn chợ Thủ. Năm 1938, chợ Thủ được khánh thành với mô hình mới, kiến trúc phóng khoáng, trang nhã và có lợi thế hơn nhiều nơi khác. Dần dần, chợ Thủ Dầu Một trở thành điểm thương mại sầm uất bậc nhất miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Ban ngày, hàng dãy thuyền buôn của các thương lái khắp mọi miền đến đây mua hàng hoá, vận chuyển đi nơi khác bán lại. Đêm xuống, tiếng lạc ngựa vang lên để hối hả đưa hàng kịp buổi chợ mai. Trải qua nhiều năm, chợ Thủ luôn giữ vị trí là một trung tâm thương mại tiêu biểu của Bình Dương, đồng thời cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng chính vì thế, chợ Bình Dương không chỉ là nơi mua bán mà còn là một biểu trưng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của Bình Dương và Nam Bộ.

Mấy tiếng đồng hồ rồi cũng chóng vánh trôi đi.

4 giờ. Trong cái se lạnh của sớm mai, phụ nữ ở chợ tranh thủ ăn chút gì lót dạ. Đàn ông thì rủ rê nhau cà phê. Vì vậy, chợ đêm, ngoài những hàng rau, củ quả, còn có những gian hàng cơm, hủ tiếu, cà phê, sữa nóng… phục vụ nhu cầu của các tiểu thương. Vậy nên, dù là nửa đêm về sáng, chợ vẫn đầy đủ như một phiên chợ ngày.

5 giờ sáng. Chợ vãn dần. Những tiểu thương chợ Thủ bắt đầu dọn hàng. Ai còn hàng nhiều thì đem đi bỏ mối ở chợ huyện. Ai còn kha khá hàng thì di chuyển xuống chợ rau, củ tiếp tục bán. Ai hết hàng thì tranh thủ về ngủ lấy sức cho đêm bán hàng sau.

Đến 5 giờ 30 sáng, tiểu thương đã trả lại cho chợ Thủ một không gian tinh tươm, sạch sẽ để đón chào ngày mới. Để đêm sau, chợ Thủ nửa đêm về sáng lại tiếp tục được dọn ra, tiếp tục là bà mẹ bao dung ôm lấy những phận đời. Và, trong phiên chợ nửa đêm về sáng ấy, chính những phận đời là những đốm sáng lung linh, làm bừng sáng chợ Thủ, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức, không thể thiếu được của người dân đất Thủ Bình Dương

Suu tam
Chợ Thủ thời Pháp thuộc.
Chợ Thủ trước 1975.

Chợ Thủ ngày nay.