Nhãn

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Đặc sản Bình Dương





BÁNH BÈO CHỢ BÚNG 
Bánh bèo chợ Búng ở Bình Dương ngon đặc biệt nhờ có bì heo ram với nước dừa. Bánh màu trắng, ăn kèm với đồ chua và rau sống rất ngon miệng.
Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng được làm từ loại gạo đỏ đặc sản. Muốn đổ bánh bèo thật ngon phải quấy cho nhuyễn tới khi các hạt gạo tan thành bột đặc quánh trong nồi. Quấy được nồi bột với nước cốt dừa ưng ý xong mới đổ vào khuôn bánh bèo rồi đem hấp chín. Công đoạn tiếp theo là đãi đỗ xanh ninh làm nhân phết trên mặt bánh.

Bánh bèo ngon phụ thuộc vào bì và nước chấm. Bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng, thêm gia vị là tỏi và bột canh. Thịt heo phải lựa thịt đùi ngon bọc da chung quanh, ram gần vàng. Nước dừa cho vào nồi để lửa riu riu cho nước dừa ngấm vào thịt mới thơm. Kế tiếp là nước mắm, gia vị tưới lên bánh bèo, bún bì hoặc là nước chấm cho món bì cuốn. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua hoặc kiệu muối, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn rồi chan nước mắm vô.
Ngày nay, bánh bèo gắn liền với địa danh chợ Búng bởi nơi đây đã làm nên thương hiệu cho bánh bèo bì đất Bình Dương. Từ bánh bèo, dưới bàn tay pha chế và óc sáng tạo, các nghệ nhân nấu ăn đã sáng tạo thêm hai món mới từ bì, góp phần làm cho bữa tiệc bánh bèo thêm phong phú: bì cuốn và bún bì.
Đến Bình Dương bạn có thể ghé vào hai quán Mỹ Liên nằm sát quốc lộ 13, gần ngã ba Cầu Cống, hay quán Ngọc Hương trước cửa chợ Búng. Có thể nói, khi nhìn hàng nghìn chiếc bánh trắng phau phau nằm trên đĩa và hàng rổ bì thái đều tăm tắp, sợi nào cũng giống sợi nào, khiến ai từng nhìn thấy cũng muốn được thưởng thức hương vị của nó.
GÀ QUAY XÔI PHỒNG
Gà quay thường ăn chung với bánh bao, xôi đậu xanh, nhưng ở nhà hàng nổi Bình Dương, món gà quay được ăn kèm với xôi phồng. Xôi có nhiều loại: xôi đậu đen, đậu xanh, đậu phộng, xôi gấc, xôi cúc. Vật liệu chính để tạo xôi là gạo nếp và tuỳ loại xôi chỉ cần gạo nếp. Một đĩa xôi phồng tròn to chiên vàng đều đặn đặt bên cạnh một đĩa gà quay chín thơm, béo, ai trông thấy cũng muốn ăn.
Giá một đĩa xôi phồng chỉ từ 15 đến 20 ngàn đồng, ai có dịp qua Bình Dương đều không bỏ qua món ăn đặc sản này.
Làm sao có thể chiên một miếng xôi phồng lên tròn to, ruột rỗng, vàng đều thơm ngon? đó là một bí quyết. Vật liệu làm xôi được tán nhuyễn chung với dầu ăn, thêm một chút đường và đặc biệt không có bột nổi. Tuỳ theo đĩa lớn, đĩa nhỏ, đầu bếp ngắt một miếng xôi này với lượng vừa đủ rồi bỏ vào chảo dầu sôi, nấu bằng lò khè, miếng xôi bỏ vào chảo dầu được đảo tròn đều và ép sát xuống đáy chảo bằng hai cây giá bếp.
Khoảng 5 phút sau, miếng sôi bắt đầu phồng lên, lúc này hai tay đầu bếp phải thật khéo léo, nếu không phồng xôi sẽ bị méo, bể, hoặc xôi không ly tâm ra ngoài vỏ đều được, bị dồn cục giữa phồng xôi. Xôi chín vàng không đều hoặc bị cháy là không đạt chất lượng. Thời gian chiên phồng từ 10 đến 15 phút.
BÚN TÔM 
Có thể nói trong đời bạn đã thưởng thức nhiều loại bún như bún giò, bún riêu, bún cá, bún ốc... nhưng bún tôm chưa chắc bạn đã có dịp được thưởng thức. Đây là loại bún vừa rẻ vừa ngon lại rất dân dã. Nếu có dịp ghé qua Bình Dương, xin mời bạn hãy dừng lại ít phút để dùng thử món bún tôm độc đáo này.
Nét đặc trưng riêng của bún tôm Bình Dương, trước hết là ở cách thức làm bún. Bún tôm không phải là loại bún làm sẵn bán ở chợ, hay bún được mua ở các lò làm bún nổi tiếng. Người bán bún tôm làm bún ngay tại chỗ, tức là khi có khách vào, chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo đã làm sẵn và hấp trong nồi nước sôi. Do vậy, sợi bún ở đây trông nhỏ, mềm và trong vắt. Mặt khác, tôm dùng để làm bún tôm là những con tôm tươi, còn sống được bắt từ ao, đầm. Con tôm ở đây trông bụ bẫm và thịt săn, rất ngọt.
Do những nét độc đáo có một không hai đó nên tô bún ở Bình Dương có vị ngon rất đặc biệt. Người ta giã nhuyễn tôm sống đã lột vỏ, sau đó nhúng sơ vào nồi nước đang ở độ sôi, cho bún vào tô, chế nước dùng để xáo bún vào ngay sau đó, rắc một ít tiêu bột, một ít bột ngọt, một ít hành hương. Thế là đã có ngay một tô bún tôm nóng hổi, tỏa hương thơm rất hấp dẫn.
Thường thì bún tôm được ăn kèm với bánh tráng gạo nướng. Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy ngon và thích, nhưng ăn nhiều lần thì nghiện lúc nào không hay. Nghiện vì chất ngọt của nước xáo bún, của mùi hành hương thơm ngát. Đặc sản bún tôm là món điểm tâm buổi sáng rất độc đáo.
Bò nướng ngói

TRÁI CÂY LÁI THIÊU 
Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa trái cây chín rộ, du khách đi chơi vườn Lái Thiêu sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trải dài tít tắp và được thưởng thức các loại trái cây ngon như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, vú sữa... Du khách có thể xuống thuyền dạo chơi trên sông Sài Gòn mà ngắm cảnh vườn cây... 



Những năm qua, Lái Thiêu đã được coi là một địa điểm dã ngoại lý tưởng, nhất là đối với thanh niên nam nữ, sinh viên học sinh vào mùa cây trái nở rộ, bắt đầu từ tháng tư, cũng đồng thời vào dịp nghỉ hè. Lợi điểm của Lái Thiêu là ở sát cạnh Thành phố Sài Gòn, hai điểm trung tâm chỉ cách nhau chừng 20km. Trái cây ngọt của Lái Thiêu đã hấp dẫn các bạn trẻ đến nỗi nếu đi xe đạp, thì cũng chỉ mất không quá một tiếng đồng hồ.
Đến đây, Du khách có thể vào vườn mua trái cây bằng cách hái tại chỗ ăn hoặc đem về, hay mua ở các hàng quán chuyên bán trái cây ở khắp Lái Thiêu.
(Nguồn: saigontoserco)
BÚN RIÊU LƯỠI - GÓC ẨM THỰC KHÁC Ở BÌNH DƯƠNG
Du khách đến Bình Dương thường phải mềm lòng trước những vườn trái cây trĩu quả của vùng đất Lái Thiêu hay món bánh bèo bì chợ Búng trứ danh, đó là chưa kể đến món cháo gỏi vịt Cu Chì từng khiến nhiều cư dân Sài Gòn lặn lội quãng đường gần trăm cây số đến để thưởng thức.

Song đặc sản Bình Dương vẫn còn những góc khác, bình dân và lạ lẫm, cũng đáng để thử đôi lần khi đặt chân đến nơi này…

Quán bún không tên ấy nằm trên đường Lò Chén, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, chỉ bán về buổi chiều. Vậy mà bất kỳ dân sành ăn nào ở Bình Dương cũng có thể mách đường cho bạn tìm đến tận nơi.

Hôm chúng tôi đến vào tầm 6 giờ chiều, trời hầm hập nóng. Khó có thể tin là trước quán bún xe máy lớp trong, lớp ngoài, lại có cả mấy chiếc ôtô đậu dài. Người mua về, người vào ăn nhộn nhịp. Thực khách ngồi chật trên bậc thềm cao, trên những bộ bàn ghế nhựa thấp.


Món bún riêu lưỡi

Toàn bộ khâu phục vụ của quán ở bên dưới bậc tam cấp. Mấy nồi nước nóng to bự, những rổ rau tú ụ với rau muống chẻ, bắp chuối thái sợi, giá, rau thơm... được sắp xếp thứ tự theo lớp lang. Tô sạch nằm sẵn hàng dài chờ đến lượt. Bàn tay chị bán hàng thoăn thoắt khi xắt thịt, khi sắp bún, khi múc nước lèo. Tiếng người gọi bún, tiếng kêu tính tiền, rôm rả…

Người bạn Bình Dương nói nhỏ: “Chuẩn bị tinh thần phải tốn một giờ mới đến lượt đó!”. Không biết có ngon hay không, nhưng nhìn thực khách đang xì xụp và cả hàng dài người đứng chờ phía ngoài thì ai cũng tò mò muốn biết độ ngon của tô bún đến đâu.

Khách vừa ngồi vào chiếc bàn trống là người phục vụ mang đến một khay nhựa có chén ớt đầy, tô mắm tôm đặc lềnh cùng đĩa chanh tươi xanh. Trong khi chờ đợi tô bún được mang đến (khoảng mười phút), khách chậm rãi lấy cái chén múc mắm tôm, thêm muỗng ớt rồi vắt chanh, dùng thìa nhỏ đánh đều. Chén mắm tôm có thêm vị chanh chua liền nổi bọt và dậy mùi thơm, đầy kích thích vị giác.

Trên quầy hàng, những cái lưỡi heo cuộn tròn được chế biến theo kiểu thịt xíu sắp đầy trên một cái mâm. Lưỡi heo chỉ được cắt trước khi sắp vào tô thành từng miếng dày, nhìn đúng kiểu “chén to kho mặn”, cắn ngập răng! Khách có thể kêu tô bún riêu riêng và một đĩa lưỡi riêng, hay cũng có thể cho hết mọi thứ vào một tô tùy thích.
Khởi động bằng cách gắp miếng lưỡi, chấm mắm tôm chanh. Miếng lưỡi mềm, dẻo lẫn chút dai dai. Nhai để tận hưởng vị ngọt của lưỡi heo cộng thêm vị mặn, cay, chua đặc trưng của mắm tôm! Sau khi “lấy đà” thì đến phần khám phá tô bún tuy vẫn mang hương vị riêu bình thường, nhưng như là bản hòa ca của vị ngọt từ hỗn hợp thịt, xương, lưỡi, đậu hũ và cả cách nêm nếm như một bí quyết riêng của nhà hàng.
(Nguồn: thptcaobaquat)

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Bạn bè... Chu Thập


Tuần qua, tôi có dịp đi thăm một người bạn ở cách chỗ tôi 3 giờ lái xe. Trời mưa, lái xe không tiện, xăng lại đắt, tôi chọn đi xe lửa, cũng mất ngần ấy thời gian. Đi xe lửa lại có được cái thú đọc sách, ngủ, ngắm cảnh và thả hồn “mơ mộng”. Dù không còn phun khói, với tôi, xe lửa lúc nào cũng “gợi cảm”: cảnh tiễn đưa ở sân ga lúc nào cũng làm cho tôi nhớ lại bao lần gặp gỡ, hợp tan, ly biệt trong chính cuộc đời của mình. Cuộc đời chẳng khác nào một chuyến xe lửa không có trạm cuối. Ở sân ga này, mình chào tiễn đưa một người bạn. Ở sân ga kế tiếp, mình lại chào đón một người bạn mới. Cứ thế, càng thêm tuổi đời càng giàu thêm bạn bè, thân hữu.

Có lẽ tôi thực sự biết thế nào là “bạn bè” kể từ lúc biết trốn học đi theo mấy người bạn chăn trâu. Không thể nào quên được những ngày trời mưa, chui vào những cái chòi giữa ruộng, lùi một củ khoai mì, nướng một con cá lóc, ăn một lát cơm vắt với muối hột đâm nhuyễn với ớt xiêm…Có lẽ chẳng có cao lương mỹ vị nào có thể xóa tan được hương vị của những “bữa cơm” mà tôi đã từng chia sẻ với những người bạn chăn trâu ấy. Có lẽ cũng đã hơn 50 năm rồi, tôi chưa một lần gặp lại những người bạn ấy. Nghe đâu họ vẫn còn lầm than dãi dầu mưa nắng với cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau.

Ngoài những người bạn chăn trâu, tôi cũng có một nhóm bạn thân cùng xóm. Xóm tôi được mệnh danh là “xóm máy gạo”, vì trước nhà tôi có dựng một nhà máy xay lúa. Trong hồi ký, cố nhạc sĩ Phạm Duy dường như rất tự hào khi viết về gốc gác của mình: “Nhà tôi ở phố Hàng Dầu, số nhà 54, đứng đầu…du côn”. Tôi cũng có chút tự hào mỗi khi nhắc lại những “thành tích” phá làng phá xóm của bọn trẻ “xóm máy gạo” của tôi. Mặc cho cha mẹ, các dì phước và ông cha sở có ngăm đe, lũ trẻ chúng tôi vẫn thích “tùng tam tụ ngũ” để, nếu không ăn trộm trái cây, thì cũng bày đủ trò để chọc tức xóm làng hay người qua lại. Trong số bạn bè ấy, chỉ có tôi được may mắn “xuất ngoại”. Những “người muôn năm cũ” của tôi giờ này kẻ ra người thiên cổ, người già yếu bệnh tật, kẻ con đàn cháu đống…Nhưng nhớ đến họ, tôi vẫn giữ nguyên cái hình ảnh của những thằng nhóc “mất dạy” học ở trường thì ít học ngoài đường thì nhiều.

Kể từ bậc trung học, có lẽ do bản tính hướng nội, tôi có nhiều “bạn” hơn “bè”. Người Tây Phương thường nói: “Bạn hãy nói cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”. Hay như người Việt Nam cũng nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Ngay từ lúc nhỏ, tôi cũng thường được dạy dỗ “chọn bạn mà chơi”. Bạn bè xấu có thể lôi kéo mình vào con đường xấu. Đó là điều thường xảy ra trong cuộc sống xã hội. Nhưng trong cuộc đời, nhìn lại, tôi thấy dường như tôi ít tuân thủ nguyên tắc ấy và cũng chẳng có “tiêu chuẩn” nào trong chuyện “tìm bạn bốn phương”. Tôi thường tìm đến với bạn mà chẳng do bất cứ một tính toán hơn thiệt, lợi hại nào cả. Dĩ nhiên, càng dễ chia sẻ với nhau thì càng dễ thiết thân với nhau hơn. Nhưng cũng có lắm trường hợp, dù cho tính khí và ý thích hoàn toàn trái ngược nhau, tư tưởng cũng chẳng hợp nhau, vậy mà người ta vẫn có thể không những là bạn với nhau mà còn là bạn thân thiết nữa.

Thời trung học, tôi rất thích đọc tư tưởng của văn hào Pháp Michel de Montaigne (1533-1592). Trong tuyển tập “Khảo luận” (Essais), ông có dành một chương để viết về tình bạn của ông với một văn sĩ khác tên là Étienne de La Boétie. Tôi vẫn nhớ mãi một câu của ông: “Nếu người ta cứ thôi thúc tôi phải nói tại sao tôi thương ông ta, tôi cảm thấy không thể giải thích được. Tôi chỉ biết trả lời: “Vì ông ta là như thế, vì tôi là như thế”. Theo Montaigne, tình bạn giữa ông và nhà văn La Boétie được nối kết bằng một sức mạnh của định mệnh, không thể giải thích được.

Tại sao mình “chơi” với người này, mà không “chơi” với người khác, tại sao mình thân với người này mà không thân với người khác. Chỉ có trời may ra mới biết. Tình bạn cũng mầu nhiệm như tình yêu lứa đôi.

Đọc truyện Đông Chu Liệt Quốc, tôi thấy có một tình bạn rất đặc biệt. Đó là tình bạn giữa ông Quản Trọng và ông Bảo Thúc Nha.

“Quản Di Ngô, tên tự là Trọng, diện mạo khôi ngô, có tài học bác cổ thông kim, lại có tài kinh bang tế thế. Quản Trọng thường cùng với Bảo Thúc Nha buôn chung với nhau, đến lúc chia lãi, Quản Trọng lấy phần nhiều hơn. Bảo Thúc Nha cũng thuận. Người ngoài đều lấy làm bất bình. Bảo Thúc Nha nói:

“Không phải Quản Trọng tham món tiền nhỏ mọn ấy đâu, chỉ vì nhà hắn nghèo, không đủ ăn, nên ta bằng lòng nhường cho hắn đó”.

Quản Trọng đi lính, mỗi khi ra trận, cứ lùi lại sau, đến lúc thu quân về thì lại đi lên trước, ai cũng cười là người nhát. Bảo Thúc Nha nói:

“Quản Trọng có phải là người nhát đâu, vì hắn còn mẹ già, nên phải giữ gìn thân mình để phụng dưỡng mẹ.”

Quản Trọng lại nhiều khi cùng Bảo Thúc Nha mưu tính công việc, thường thường trái ý nhau. Bảo Thúc Nha nói:

“Người ta làm gì cũng phải gặp thời, giả sử Quản Di Ngô gặp thời thì chắc hẳn trăm việc hắn làm không hỏng một việc.”

Quản Trọng nghe lời Bảo Thúc Nha nói, thở dài mà than rằng: “Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta thì chỉ có Bảo Thúc Nha mà thôi.”

Từ bấy giờ hai người kết nghĩa sinh tử với nhau.” (Phùng Mộng Long, Đông Chu Liệt Quốc, hồi thứ 15).

Đọc Kinh Thánh của Do thái và Kitô giáo, tôi cũng thấy có một tình bạn tương tự giữa vua David và Jonathan, con của vua Saulê. Saulê là ông vua luôn sống trong nghi kỵ và ghen tức. Lúc nào ông cũng sợ David tiếm ngôi. Nhiều lần vua Saulê tìm cách giết David, nhưng lần nào Jonathan cũng đều mách bảo để David trốn thoát. Về sau, cả vua Saulê và Jonathan đều ngã gục nơi chiến trường. David đã thương khóc vua Saulê như chính cha mình. Riêng với người bạn Jonathan, trong bài điếu văn, David đã nói trong tiếng khóc nức nở: “Jonathan anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh. Tôi thương anh biết chừng nào! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ.” (Samuel, quyển hai, 1, 26).

Về A-Lịch-Sơn Đại Đế (356- 323 BC), người ta cũng thường truyền tụng về tình bạn giữa ông và người bạn thân Hephaestion. Hai người đã là bạn thân thiết với nhau ngay từ lúc thiếu thời. Mối quan hệ giữa hai người thắm thiết và sâu đậm đến độ vị thày chung của hai người là nhà hiền triết Aristoteles đã mô tả như thể “một linh hồn trong hai thân xác”. Trong các cuộc viễn chinh, lúc nào hai người cũng sát cánh bên nhau. Những lúc nhàn rỗi, hai người cùng chia sẻ cho nhau những tâm tình riêng tư nhứt của mỗi người. Chính vì không muốn xa nhau mà hai người đã quyết định lấy hai công chúa của vua Darius để trở thành anh em cột chèo với nhau.

Nhưng trong các câu chuyện dân gian, đẹp nhứt có lẽ vẫn là tình bạn được người Việt Nam chúng ta đề cao trong truyện thơ nôm Lưu Bình – Dương Lễ. Thương bạn, muốn giúp bạn trở thành người tốt đến độ sẵn sàng để cho vợ mình đến giúp đỡ bạn: chẳng có người bạn nào cao thượng như Dương Lễ!

Lúc nhỏ được nghe truyện Lưu Bình- Dương Lễ, bước vào những năm đầu của bậc Trung học lại được đọc cuốn sách “Những tâm hồn cao thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis (1846-1908), bản dịch tiếng Việt của Hà Mai Anh, có lẽ học sinh Việt Nam nào trước năm 1975 cũng đều được dạy cho biết về những đức tính nhân bản và nhứt là giá trị của tình bạn trong cuộc sống. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện về “Lòng hào hiệp” ở chương V của cuốn sách. Nhân vật chính trong cuốn sách kể lại tấm lòng hào hiệp của một người bạn trong lớp. Một số bạn nghịch ngợm đã chọc ghẹo một học sinh tàn tật. Em này đã điên tiết lên cho nên vồ ngay lọ mực trước mắt và ném vào những kẻ trêu chọc mình. Chẳng may lọ mực lại trúng giữa ngực ông thày giáo. Ông hỏi ai đã ném lọ mực. Nhưng chẳng có ai dám hé răng. Cuối cùng vì thương bạn, một học sinh tên là Garone đã đứng lên chịu tội. Nhưng thày biết rõ không phải em. Thấy hành động cao thượng của người bạn, em học sinh tàn tật đã chịu lỗi. Cảm thấy có lỗi, những em đã khiêu khích em bị tật liền đứng lên. Thày nhân dịp này giảng giải cho cả lớp về sự tôn trọng cần phải có đối với người tàn tật và tiện thể đề cao em Garone, người mà thày bảo là “có một trái tim cao thượng”. Do gợi ý của em này, thày cũng tha cho 4 em đã có hành động xúc phạm đến em tàn tật.

Câu chuyện đơn sơ, nhưng có lẽ người học sinh Việt Nam nào trước năm 1975 cũng đều cảm kích về những nghĩa cử và nhứt là tình bạn cao đẹp mà người ta có thể có đối với nhau.

Nhìn lại cuộc đời đã “xanh rêu”, gạn đục khơi trong, sàng lọc tất cả để chỉ giữ lại những gì là cao đẹp nhứt trong cuộc đời, tôi thấy rằng điều đáng trân quý nhứt vẫn là tình bạn. Đúng như người Việt Nam chúng ta vẫn nói “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Chính những người bạn đã làm cho tôi được thêm giàu có hơn trong nhân cách. Chính những người bạn, cách này hay cách khác, đã dạy hay đúng hơn lúc nào cũng mời gọi tôi sống vô vị lợi hơn. Trong tình bạn đích thực, không có tính toán hơn thiệt, không có đắn đo cân nhắc lợi hại, mà chỉ có trao ban và trao ban một cách vô vị lợi mà thôi.

Tôi vẫn hằng tâm niệm về những suy tư về tình bạn mà một người bạn đã sưu tầm và chia sẻ cho tôi:

“Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc…hãy gọi cho tôi! Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn!

Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô cùng đơn độc…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ đến bên bạn, chỉ để im lặng không nói một lời, nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh.

Nếu một ngày nào đó, bạn phân vân trước những quyết định của mình…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không quyết định thay bạn, nhưng có thể giúp bạn vững tâm hơn trước sự chọn lựa của mình.

Nếu một ngày nào đó, bạn gặp thất bại trong công việc…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không đem lại cho bạn một công việc mới, nhưng tôi sẽ giúp bạn tìm thấy một cánh cửa khác của sự thành công.

Nếu một ngày nào đó, bạn vô cùng đau khổ vì phạm phải sai lầm…hãy gọi cho tôi! Tôi không thể sửa chữa sai lầm đó, nhưng tôi có thể giúp bạn nhận ra rằng những sai lầm sẽ giúp bạn trưởng thành và tự tin hơn.

Nếu một ngày nào đó, bạn lo sợ những những điều tốt đẹp sẽ qua đi…hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không níu giữ chúng lại, nhưng tôi giúp bạn hiểu rằng mọi việc đều có những điểm khởi đầu và kết thúc.

Nếu một ngày nào đó, bạn trở nên bế tắc và tuyệt vọng…hãy gọi cho tôi! Tôi không hứa sẽ làm bạn quên đi tất cả, nhưng tôi có thể giúp bạn tìm niềm tin trong cuộc sống.

Nhưng một ngày nào đó, bạn gọi mà không thấy tôi trả lời…hãy đến bên tôi, vì lúc đó tôi đang cần bạn!”

Tôi có rất nhiều người bạn. Bạn tuổi thơ. Bạn học. Bạn đồng nghiệp. Bạn tỵ nạn. Bạn câu cá. Bạn thể dục mỗi buổi sáng…Có những người bạn vong niên. Có những người bạn mới quen. Có những người bạn lâu ngày không gặp và có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Có những người bạn chỉ còn liên lạc với nhau qua “meo đàn” hay thỉnh thoảng qua điện thoại. Tôi vẫn xem là một mất mát lớn khi vì một lý do nào đó mình không thể liên lạc với bạn bè. Nhưng dù xa hay gần, dù thiết thân hay lạnh nhạt…họ vẫn mãi mãi là bạn của tôi. Họ đã làm cho tôi nên “giàu có” hơn, cho nên tôi chỉ có thể trân trọng và biết ơn tình bạn. Đau buồn nhứt cho tôi có lẽ không phải khi bị bạn “nghỉ chơi”, mà chính là lúc mình trở thành kẻ phản bạn. Đó có lẽ là lúc tôi trở nên nghèo nàn hơn cả.

Chu Thập

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Kênh đào Panama

Kênh đào Panama cắt ngang eo đất Panama (Trung Mỷ),nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.Với chiều dài 77 km,nó làm ngắn lại hành trình của tàu biển từ New York đến San Francissco chì còn phân nữa.
Kênh đào nầy do các công ty của Mỷ khởi công xây dựng năm 1904 với các công trình sư chính như : John Findley Wallace,John Frank Stevens,George Washington Goelthals...
Do địa hình hiểm trở và  sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc,đã có tới 27.500 người bị chết khi xây dựng kinh đào nầy như tai nạn lao động,bệnh tật nhất là sốt rét vàng da...
Ngày 14/8/2013,kinh đào khánh thành.Từ đó đến nay ,nó thật sự mang lại nhiều lợi ích cho tàu thuyền qua lại vùng nầy.

Ngày nay,kênh đào đặt dưới sự quản lý của chính phủ Panama. Nhà nước  Panama   đang rất  chú trọng đến việc nâng cấp , mở rộng  con kênh  đã gần 100 tuổi nầy với các kỷ thuật hiện đại nhất để cho các tàu thuyền   trọng tãi  lớn hơn có thể qua lại  được.
Theo thống kê 2005,hàng ngày có đến 40 tàu thuyền  đi qua kênh đào Panama.
Sau đây,mời các bạn xem một số ảnh rất đẹp.








Quê hương !Cố hương!Cố quốc !....


Quê hương ! Cố hương ! Cố quốc ! Cố Đô ! Cố lý ! Cố nhân !


Có phải nếu mình ở một nơi nào trên dưới ba mươi năm thì mình là người thuộc địa phương đó, đúng không? Đã biết bao nhiêu lần tôi đặt ra câu hỏi đó sau một ngày nhìn vào lịch thấy con số ghi năm đã bước vào năm thứ ba mươi của một người tị nạn.

Bây giờ có ai mới quen gặp tôi, hỏi: Bà ở đâu đến vậy? Thì chắc tôi sẽ trả lời rất tự nhiên, tôi ở San Jose, hay khi đang đi du lịch thì sẽ trả lời, tôi ở Mỹ đến. Tôi sẽ không trả lời là tôi ở Việt Nam đến nữa, chỉ trừ người ta hỏi, bà là người nước nào? Thì lúc đó tôi chắc chắn nói, tôi là người Việt Nam, để cho họ không nhầm với người Trung Hoa, Nhật, hay Phi.
 
Đúng, tôi ở Mỹ trên dưới ba mươi năm rồi, tôi là một người Mỹ. Bây giờ thử xem lại con người Mỹ của tôi.

Trước tiên mặt mũi, chân tay tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn khuôn mặt cấu trúc ít góc cạnh của người Á Đông và cái mũi tẹt khiêm tốn, tóc sợi to và đen, khi có tóc bạc thì nhìn thấy ngay, muốn giấu thì phải nhuộm.

Đối với người Á Đông thì tôi được gọi là người có nước da trắng, nhưng mầu trắng này thực ra là mầu ngà, và đứng cạnh một ông Tây, bà Mỹ nào thì nó vẫn cho cái căn cước da vàng rất rõ rệt. Khi tôi nói tiếng Anh thì cách phát âm vẫn có vấn đề, đôi khi nói nhanh quá thì sẽ vấp phải lỗi nói tiếng Anh theo cách dịch tiếng Việt trong đầu. Như thế bị chê là nói tiếng Anh bể (broken English). Về cách phục sức, nhà ở, xe cộ bên ngoài, tôi có thể không kém một người Mỹ chính gốc.
 

Nhưng khi bước vào nhà tôi, từ những bức tranh treo ở phòng khách, bát đũa bầy ở bàn ăn, chai nước mắm, hũ dưa cải trong bếp và nhất là sách, báo tiếng Việt ở khắp nơi trong nhà, thì chắc ai cũng sẽ nhận ra ngay đó là một gia đình Việt Nam. Như thế thì tôi là người San Jose hay người Hà Nội, người Mỹ hay người Việt? Tôi ở đất này đến ba mươi năm rồi cơ mà.
Người ở Lạng Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội ở trên dưới ba mươi năm thì tự nhận mình là người Hà Nội; người ở Hải Phòng, Hải Dương vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 75, 76 tự nhận mình là người trong Nam.

Tôi ở Mỹ tìm về Việt Nam không ai chịu nhận tôi là người Việt nữa, dù tôi có yêu quê hương đến quặn thắt cả ruột gan, có gặp lại họ hàng nước mắt khôn cầm thì khi thăm viếng, hỏi han, họ vẫn thỉnh thoảng nói rất tự nhiên: chị đâu có phải là người Việt nữa, bây giờ chị là người Mỹ rồi, chắc cái này không hạp với chị, cái kia chị không ăn được, cái nọ chị không biết đâu.

Những lúc đó tôi chẳng biết mình phải phản ứng thế nào cho đúng. Cứ cãi tôi vẫn Việt, hay nhận đúng rồi tôi là Mỹ? Không, cả hai cùng sai cả. Những khi cần quyên tiền đóng góp vào việc công ích nào ở Việt Nam thì ai ai cũng nhắc lại cho tôi đến ngàn lần tôi là một người Việt Nam chính gốc. Rằng tôi phải có bổn phận và tình thương với đất nước, đồng bào. Tình thương thì nhất định lúc nào tôi cũng đầy ắp trong ngực rồi, tôi chẳng cần ai nhắc nữa, nhưng bổn phận thì cho tôi… nghĩ lại.
 
Tôi đã đóng góp bổn phận của tôi cho đất nước đó rồi. Một mối tình chết tức tưởi trong chiến tranh hơn ba mươi năm về trước, xương thịt của người tôi yêu nằm trong lòng đất, rồi lại phải đào lên, đốt thành tro than, bị đuổi mộ như đuổi nhà, đã trả bổn phận đó thay tôi rồi. Không đủ hay sao?

Bây giờ tôi phải có bổn phận đóng thuế hàng năm ở đất nước tôi đang sống để phụ với chính phủ sửa đường, xây trường học và nuôi những người ở khắp nơi mới tới, như trước kia đất nước này đã nuôi người Việt, vì giấy tờ cá nhân hiện tại xác định tôi là người Mỹ. Tôi phải làm bổn phận công dân.
 

Có những ngày tôi lái xe bị kẹt ở xa lộ vào một buổi chiều mưa mùa thu; hay một buổi sáng mùa xuân vắng lặng, êm ả, đứng trong nhà nhìn ra mặt hồ, tôi cảm nhận được nơi mình đang hiện diện không phải là quê mình, không phải nước mình.
 
Chẳng có một lý do gì cụ thể, chỉ là những giọt mưa đập vào kính xe, chỉ là mặt nước hồ gờn gợn sóng. Mưa trên xa lộ Mỹ nhắc nhớ đến những cơn mưa tháng Năm ở Thị Nghè, nhà mình ở Trần Quý Cáp, nhà anh ở trước rạp ciné Eden đứng trú mưa với nhau.

Nước ở hồ San Jose trước nhà nhắc đến nước sông ở bến Bạch Đằng mỗi lần qua phà sang bên kia Thủ Thiêm chơi với bạn, hay sóng nước ở bắc Mỹ Thuận những lần qua phà đi thăm họ hàng ở tận Bạc Liêu. Những lúc đó tôi bất chợt bắt gặp mình Việt Nam quá, vì những cái bóng Việt Nam thật mờ, thật xa lại chồng lên hình ảnh rõ rệt ngay trước mặt mình. Và kỳ diệu làm sao, những cái bóng đó nó mạnh đến nỗi mình quên mất là mình đang ở Mỹ. Chắc tại tôi là người Việt Nam.
 

Lại có những lần ở Việt Nam, tôi bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết mình từ đâu đến và đang đi lạc. Tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi đứng chênh vênh trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao không giống Việt Nam của mình, hình như đã có điều gì rất lạ.

Ngôn ngữ Việt thì thay đổi quá nhiều, pha trộn nửa Hán nửa Ta, chắp đầu của chữ này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “ấn tượng”. Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, và họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích.
 

Ngửng mặt lên nhìn bầu trời, vẫn bầu trời xanh biếc của thời tuổi trẻ, cúi xuống nhìn mặt đất, vẫn mặt đất thân quen, nhưng sao lòng hoang mang quá đỗi, và thấy đã có một khoảng cách nghìn trùng vô hình giữa mình và quê hương đất Việt. Chắc tôi là người Mỹ!
 

So sánh thời gian tôi sinh ra, sống ở Việt Nam và thời gian tôi bỏ Việt Nam ra đi, sống ở Mỹ, hai con số đó đã gần ngang nhau. Tôi được học từ nhỏ quê hương là nơi tổ tiên lập nghiệp, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ở trong nước có bài hát nổi tiếng “Quê hương mỗi người có một”, như là chỉ một mẹ thôi. Nhưng có người lại nói: Nơi nào mình sống ở đó suốt một quãng đời dài, có những người thân chung quanh mình, hưởng những ân huệ của phần đất cưu mang mình, thì nơi đó cũng được gọi là quê hương mình. Như vậy thì tôi có một hay hai quê?
 
Tôi sống ở Mỹ thì bạn bè gặp nhau thường nói: Cái này người Việt mình không hạp, hoặc người Mỹ họ mới thích nghi được việc này, người Việt mình không quen.
Khi đi dự buổi tiệc cuối năm của một công ty lớn ở Mỹ, toàn là những người Mỹ sang trọng thì thấy rõ ngay mình là người Việt đi lạc, dù mình có sang trọng, lịch sự như họ. Hóa ra ở Mỹ hay về Việt Nam mình đều lạc chỗ cả.

Tôi nhớ mấy năm trước có lần trò chuyện với mẹ của một người bạn, lúc đó cụ ngoài 80 hãy còn minh mẫn, cụ theo đạo Phật. Trưởng nam của cụ và con dâu cụ tự nhiên rủ nhau theo đạo Công giáo. Găp tôi, cụ hỏi: Không biết anh Bình nhà tôi khi chết thì đi đâu? Phật giận anh ấy, vì anh ấy bỏ đi, Chúa chắc gì cho anh ấy vào, vì anh ấy mới quá! Năm nay cụ ngoài 90 tuổi rồi và không may, cụ bị Alzheimer. Vậy là cụ không còn minh mẫn để lo con mình không có chỗ dung thân cho phần hồn. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại những lời cụ nói, thấy mình ngay ở đời sống này cũng đã là một vạt nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Cái thân cỏ bồng.

Nhưng lạ lắm, tôi biết chắc mình là người Việt, nhất là khi tôi nằm mơ. Trong giấc ngủ tôi thường gặp cha mẹ, gặp ngay trong những ngôi nhà cũ ở Việt Nam, gặp bạn bè cũng gặp trên đường phố Việt Nam từ ngày rất xa xưa, và bao giờ trong mơ cũng đối thoại bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy đôi khi vẫn ứa nước mắt, dù là một giấc mơ vui. Thấy nhớ quê nhà quá đỗi!
 

Tôi nhớ lại trong những truyện ngắn, những bài thơ Đường tôi đọc thời rất xa xưa về người bỏ làng đi xa lâu năm trở về không ai nhận ra nữa. Hồi đó sao mà mình thương những ông già trong thơ đó thế! Bây giờ nghĩ lại thì người trong sách đó còn may mắn hơn mình, họ đâu có đi đến tận một nước khác như mình. Họ chỉ bỏ làng, chứ không bỏ nước. Thế mà khi về còn ngơ ngác, bùi ngùi, tủi thân vì lạc chỗ ngay trong làng mình.
 

So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận quốc tịch của một nước khác.
"Khi về đổi họ thay tên.
"Núi chùng bóng tủi, sông ghen cạn dòng".


.(từ( trucvien.group_,_.___


Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Chùa Hội Khánh : Ngôi chùa cổ nhất Bình Dương - TÒ HE ( từ YUMe)


Hội Khánh - Ngôi chùa cổ nhất ở Bình Dương
Tôi vẫn thường hay đi dọc những con đường uốn lượn quanh Thủ Dầu Một để tìm lại dấu xưa nơi vùng đất đã hơn 300 năm tuổi. Cánh hoa dầu xoay trong gió chiều, khi nắng cuối ngày đang khuất dần sau những ngôi nhà cổ. Những mái đình phủ đầy rêu phong đã tồn tại hàng trăm năm như ghi lại một thời cha ông mang gươm đi mở cõi. Trên một ngọn đồi con giữa thị xã sầm uất, chùa Hội Khánh cổ kính vẫn lặng lẽ chứng kiến bao sự thăng trầm đổi thay của vùng đất Thủ. Có lẽ, đây là ngôi chùa cổ nhất và có lối kiến trúc tiêu biểu của xứ Đàng trong ở Bình Dương.
Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (dòng Lâm Tế) khai sơn năm 1741, đời vua Lê Hiển Tông. Tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm vẫn được bảo tồn lưu giữ cho đến nay.
                     

Chùa Hội Khánh - kiến trúc tiêu biểu của xứ đàng trong
 
Chánh điện với kèo cột, vách gỗ và ba bộ cửa bức màn, còn có gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát. Giá trị mỹ thuật của các tượng này cao hơn hẳn so với các tượng cùng đề tài có cùng niên đại. Ngay cả thế hệ tượng thứ hai ở các chùa chiền xứ Sài Gòn - Gia Định cũng không có tượng nào so sánh được. Chỉ riêng bộ tượng La Hán này cũng đủ để khẳng định giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ của người thợ Thủ.


 
Nếu đi dọc bên ngoài ngôi chùa, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những kiến trúc tiêu biểu của phong cách chùa chiền ở xứ Đàng trong. Đó chính là việc dùng miễn sành để đắp nổi các hoa văn. Cổng chùa Hội Khánh cũng vậy, các người thợ Thủ đã tạo tác làm nổi rõ tính hình khối bề thế của kiến trúc thay cho nét chạm trổ trau chuốt tỉ mỉ của cánh thợ miền Trung hay Bắc. 


Cổng chùa được đắp nổi tinh xảo đã rêu phong theo thời gian.

..



Nền chùa lót lại bằng gạch bông đã làm bớt đi phần nào vẻ cổ kính của một ngôi chùa cổ



Và là nơi có tượng Phật nhập Niết bàn lớn nhất VN….
Đối diện ngôi chùa cổ là một Phật đài quy mô lớn, đồng thời cũng là Trung tâm Văn hóa Phật Giáo tỉnh Bình Dương. Phật  đài là  dãy nhà có chiều dài 64m, bên trên tôn trí một đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn dài 52m, cao 12m được an vị trên độ cao cách mặt đất 24m giữa khu rừng dầu, sao gợi liên tưởng đến hình ảnh Phật Thích ca nhập Việt  trong rừng Tala Song Thọ cách đây trên 2.500 năm. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn, quanh tượng Phật còn được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương. Công trình đại tượng Đức Bổn sư Thích ca nhập niết bàn, với 52m chiều dài, đã xác lập kỷ lục Guiness là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Tượng phật Thích Ca nhập niết bàn



Khi những tia nắng khuất dần sau tán cây dầu cổ thụ, ráng chiều ánh lên một màu hồng rực rỡ, len qua những mái ngói rêu phong. Những chiếc lá vàng theo gió rụng tơi tả nghe như tiếng thời gian vọng về giữa không gian u tịch. Thơ thẩn trong chiều, để tìm về những ngày xưa cha ông đi mở đất mà nghe trong lòng niềm hoài cổ khôn nguôi…
Mùa thu 2011
 Tò He

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Mời đọc ba bức thư ......



 

1) Thư Bồ Nhí Gửi Bà Vợ

   
Thưa bà , Dù chúng ta có vô cùng xung khắc , chúng ta vẫn phải nhất trí một điểm : chồng bà là đàn ông . Mà đàn ông thì sao ? Ðàn ông thì ham thích nhiều thứ . Ham thích đến mãnh liệt . Và , bà đừng dấu em , bà hãy công nhận rằng , phụ nữ chúng ta yêu đàn ông vì họ ham thích và biết cách thực hiện nó ( Chúng ta cũng ham thích nhưng thực hiện chủ yếu bằng cách mua nó ) . Ông thì thích máy móc , ông thi thích kiến trúc , ông thích vật lý và hóa học , ông dại hơn một chút thích thơ văn . Toàn những ham thích có lợi cho xã hội .
 
 Nhưng đàn ông không chỉ ham thích một thứ . Nếu gà chỉ thích giun , bò chỉ thích cỏ tươi hay thỏ chỉ thích củ cải thì đàn ông lại thích đa dạng . Chuyện ấy trong đá bóng , trong ẩm thực , trong bia bọt không sao , nhưng trong vấn đề phụ nữ , tính đa dạng của nó làm cuộc sống thêm rắc rối

   Bà thân mến ,

   
Em tin rằng , bà có rất nhiều ưu điểm . Sở dĩ em quen với ông là do ông ấy thông minh ( chứ không phải chỉ có tiền như thiên hạ vẫn đồn ) . Và , một người thông minh không khi nào chọn vợ quá kém . Thậm chí , bà không quá kém , bà còn rất nổi bật ở nhiều phương diện .
 Theo như ông tiết lộ một cách đầy thành kính , bà nấu ăn ngon , bà rửa bát sạch , bà lau nhà bóng và bà đi chợ rẻ . Bà còn đối xử tốt với chó , mèo…. Em xin thú thực , tất cả các phương diện đó , em đều thua bà . Khi em nấu món canh , ai cũng nghĩ là món xào . Khi em rửa bát , tốt nhất lúc dùng nên rửa lại . Khi em lau nhà hay quét nhà , em để cái đống rác chỗ nọ chỗ kia . Chợ duy nhất em đi là chợ mỹ phẩm . Còn chó mèo , em chỉ nuôi chúng trong tranh .

 Nhưng ông vẫn thích em . Tiện đây xin tiết lộ : thời gian thích không hề ngắn , cường độ thích không hề yếu và chi phí thích không hề thấp . Bà kinh ngạc . Bà không tin ư ? Bà nhớ rõ ông vẫn về nhà , vẫn ăn cơm tối , vẫn lịch sự với bà v.v ... Bà cảm giác chả có khe hở nào để em lọt vô cái pháo đài do bà xây dựng , canh gác và tuần tra .

   
Bà nhầm .

  
  Em xin phép không đi vào chi tiết . Em chỉ nói một cách văn học rằng , không có gì ngăn cản được con tim . Nhất là một con tim già lao về một con tim trẻ . Như trên đã nói , em thua bà về một tỷ thứ . Ðúng một tỷ thứ , chả bớt phần nào . Nhưng , em lại hơn bà hai tỷ .
  Bà sẽ gầm lên . Bà sẽ quát : hơn ở chỗ nào ?
 Thưa bà , những thứ em hơn lại vô cùng vớ vẩn . Em thành thật tin thế . Nhưng đàn ông , tiếc thay , lại không tin .
  Em biết chớp chớp mắt . Em biết ngồi gần ông mà lại vẹo người . Em biết đánh vào lưng ông , hay đánh ở chỗ thấp hơn , vừa đánh vừa cong môi nhìn đi chỗ khác . Em biết hét lên khi thấy con sâu và ù té chạy khi gặp con thằn lằn .


 
Cái gì em cũng ngạc nhiên và nhờ ông giải thích . Em tin ông là vô địch về trí thức , về thể thao , và luôn thể hiện lòng tin ấy ra mồm . Mỗi lời nói của ông , với em , đều là chân lý . Em khâm phục khi ông uống bia . Em kiêu hãnh lúc ông châm thuốc lá . Em ngồi nép mình khi ông tụ tập . Em lo lắng nhưng chẳng bao giờ tra hỏi lúc ông đi khuya . Và , quan trọng nhất , thưa bà , da em trắng , eo em nhỏ , môi em đỏ và chân em chả khác chân dài . Em mặc váy hồng , em thắt nơ xanh và em dùng dầu thơm của Pháp . Nước Pháp , chắc bà cũng biết , vô địch về các loại dầu thơm .
 Khi ở bên ông , em không ngốc và không tham lam như các phim truyền hình quay vội vàng mà bà vẫn xem đâu ạ . Chúng em không hề bàn về tiền bạc . Hai người đều mơ tới ánh trăng , tới những khát vọng chưa thực hiện và đều thích nhìn sao trên trời . Hai người có thể xung đột vì một bài thơ , giận dỗi vì một bức tranh và bỏ ra về vì một bông hoa bày không đúng cách ( trong khi ông và bà giận dỗi vì một mâm cơm , cãi nhau vì hoá đơn tiền điện và ra khòi nhà vì chậu quần áo chưa phơi ) .

 
Thưa bà ,
  
Ðấy , em tới ông , ông tới em là như thế đấy . Nó thanh cao thì em không dám nói , nhưng nó cũng chẳng phàm tục như sách vụ án viết đâu . Em xin bà hãy mừng vì điều đó .
 
 Tuy ông phạm tội nhưng tội ấy còn sang . Bà hãy tự an ủi như thế . Tại sao em viết thư này ? Tại vì em xin trả lại ông cho bà . Chúng em nhất trí cái gì đẹp thì phải ngắn và chúng em đã ngắn đủ dài . Toàn bộ sự tinh tế của tình yêu nằm ở chỗ này , và bà không biết được .
  Xin bà hãy dang tay đón ông về . Em lấy danh dự thề rắng , ông không sứt mẻ quá nhiều , đơn giản vì ông có còn nhiều đâu mà sứt mẻ . bà hãy coi ông như vừa sau chuyến du lịch mạo hiểm trở lại nhà . Cần chở che và sẵn sàng che chở .
 
 Em đi đây . Cuộc sống là khám phá và em thích khám phá nhiều nơi . Bà đừng trách em . Bà cũng đừng tự trách mình . Khi em bằng tuổi bà , em cũng chả hơn gì bà đâu .
 Chúc bà vui khoẻ .


 2) THƯ CỦA BÀ VỢ GỬI CÔ BỒ

 
Thưa cô ,

 
Tôi đã đọc thư của cô một cách bình tĩnh . Đúng như cô đã nói , ở tuổi tôi và ở địa vị của tôi , sự bình tĩnh luôn luôn có thừa .
 Này cô , Việc chồng có bồ nhí khiến tôi ngạc nhiên . Đó là cảm giác đầu tiên , và thành thật với cô , nó hơn cả cảm giác căm phẫn .
 
 Vì sao vậy ?
 Thưa cô , vì tôi tin chắc rằng lão ( hãy gọi sự vật với đúng tên và đúng tuổi của chúng cô nhỉ ) đã đuối sức rồi , nói một cách chắc chắn , một cách không có gì phải bàn cãi cả .
  Khi viết thư cho tôi , cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê . Cô cảm thấy mình giật được từ tay bà khác một mỏ vàng , và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế .
 Cô nhầm thảm hại quá , cô ơi !
 Quả thật lão là một cái mỏ . Hay nói chính xác hơn , đã từng là mỏ . Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước , cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần phải một cô gái có trí tuệ siêu việt gì .
 Nhưng trên , trong và dưới cái mỏ ấy , tôi đã đào , đã cuốc , đã đẽo , đã nổ mìn , khai thác rầm rộ , quy mô mấy chục năm .
 Và giờ đây , mỏ chỉ còn khung , còn lai sự hoang tàn . Chỉ có đôi mắt ngốc của cô , chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ của cô mới không nhận ra điều đó .
 Cô vớ được lão , khi tôi trong một chừng mực nào đó , đã mặc cho lão tự do . Cho lão có cảm giác sổng chuồng . Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ , và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta .
 Tôi không vui gì khi lão có bồ . Nhưng chớ nói rằng tôi quá hoảng sợ vì điều đó . Tôi quá hiểu đứa khác sẽ được bao nhiêu trong khi mình đã vớ bao nhiêu . Phần của cô , hỡi ôi , thật là thảm hại .
   Cô khéo là ngây thơ và nhí nhảnh . Cô té xỉu khi gặp thằn lằn và ngã lăn ra khi gặp tắc kè . Dạ thưa cô , khi bằng tuổi cô , tôi cũng ngây thơ như thế . Nhưng lúc này , gặp hai của đấy , tôi chỉ đập một cái cho bẹp dí là xong .
 Rồi cô khoe là cô biết chợp mắt , biết ngả đầu và biết cười he hé nghiêng nghiêng . Ôi dào , những trò đó ngày xưa tôi làm mãi . Và bây giờ vẫn có thể làm , thậm chí còn làm hay hơn cô ấy chứ . Nhưng vì mục đích gì , gặt hái gì khi mọi thứ đã no nê ? Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang . Trong com-lê và cà vạt đắt tiền . Còn tôi có khá nhiều dịp ( nhiều hơn cả cần thiết ) nhìn lão trong quần đùi rộng , trong áo may ô chả hiểu là màu gì .
 Và tôi cam đoan rằng , cái tôi nhìn mới là cái thật . Cái cô nhìn là giả . Cô thừa biết thế , chẳng qua cô đang tự dối mình . Cô chê tôi chỉ biết rửa bát , nấu cơm . Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng . Nhưng tôi lại thích vậy . Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nửa phần . Còn lão có bóng hay không , có sạch hay không , lão phải tự lo . Tôi còn bận lo cho bản thân mình .

 Tôi không chúi mũi vô bếp như cô tưởng và như lão tưởng chút nào . Tôi say mê đánh bài . Tôi nghiện làm đầu và giũa móng tay . Tôi ham thích " tám " và hăng hái đi chùa . Tôi khoác áo lụa mỡ gà , khoác vòng cẩm thạch và tôi sắm đủ cho mình ( bằng tiền lão , dĩ nhiên ! ).

 Còn việc cô ngắm trăng cùng chàng , đọc thơ cùng chàng hay đốt nến cùng chàng thì xin cô hãy cứ tự nhiên . Những thứ vớ vẩn và phù du đó ngày xưa tôi cũng nghĩ là ghê gớm lăm . Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra chúng suốt đời loanh quanh như thế , và chả có lợi ích gì . Chúng chỉ như hạt tiêu rắc vô bát phở , không hề bổ béo , chỉ khiến nó dậy mùi . Mà mùi thì tôi đã chán . Chán không phải do tâm hồn tôi cằn cỗi , mà là do đã quá đủ rồi !

 Cuối thư cô cho biết đã chuồn ra khỏi lão , hoặc lão đã chuồn ra khỏi cô . Tôi chả hiểu ai thoát được ai . Nhưng chắc chắn là tôi suýt thoát . Tiếc quá . Giá mà lão đi với cô , giá như lão ảo tưởng về sức mình thì tôi đã có cơ hội tuyệt vời để lại được tung tăng .
  Tôi tin chắc mình tung tăng chả khi nào muộn , khi mình kiêu hãnh , mình không nghèo khó và mình có sự mặn mà .Những thứ đó cô còn lâu mới đạt tới , cô bé đáng thương ơi !
 Cô yên tâm . Tôi sẽ đón lão về . cáo chết còn quay đầu về núi , trong khi lão chả phải là cáo , lão là người . Tôi cũng chả giày vò , chả đay nghiến chi đâu . Tôi không phải hàng tôm hàng cá . Tôi chỉ cười khẩy mà thôi . Một nụ cười mà đã làm lão nhớ đến cả chục năm .

 
Chúc cô may mắn trên con đường chinh phục các lão khác . Thế gian chả thiếu ông già . Cô cứ việc xông lên .
 Chào cô .


 
3) THƯ CỦA ÔNG CHỒNG GỬI VỢ VÀ BỒ NHÍ


  
Hai bà thân mến !

 Tôi đã đọc thư của bà nọ gửi cho bà kia . Tại sao tôi đọc được ư ? Tại vì khi các bà cả đời theo dõi tôi , rình rập tôi , chả lẽ không có phút nào tôi theo dõi lại .
  Đọc xong hai bức thư , tôi hơi buồn . Dù cố tỏ ra lịch sự , để xứng đáng với bản thân mình và xứng đáng với tôi , nhưng các bà vẫn vênh váo và công kích lẫn nhau . Bà nọ coi thường bà kia , cho bà kia là nạn nhân của mình .

 Thưa các bà .
 Có một điều chắc chắn hai bà không chịu hiểu : chính tôi mới là nạn nhân của hai bà . Cả thể giới biết điều đó . Cả nhân loại tiến bộ lên án điều đó .
 Ai , nếu không phải hai bà , chỉ sau mười mấy năm , đã biến một chàng trai khỏe mạnh , đầy nhiệt tình , đầy sức sống như tôi thành một ông tuy chưa già ( còn lâu tôi mới già ) nhưng gầy yếu , còm nhom , sợ sệt ?
  Ai , nếu không phải hai bà , có lúc từng người một , ngày đêm tra khảo tôi , ép uổng tôi , vùi dập tôi ?
 Trong công cuộc tàn phá đời tôi , hai bà có rất nhiều điểm chung : cùng nấu ăn dở , cùng mua cho tôi những chai bia dở và cùng bắt tôi đi coi những bộ phim dở .
  Nhưng hai bà , mỗi người đều có những đặc điểm riêng . ghê rợn . Bà đầu tiên thích xuất hiện trong nhà với bộ đồ nhàu nát , với tóc rối bù cùng với đôi dép chiếc nọ chiếc kia . Bà sau này xuất hiện nơi công cộng với quần soóc chật căng , với áo thủng ở lưng cùng với mắt xanh viền đỏ . Cả hai thứ ấy đều giết tôi , đều nện tôi chí tử về mặt tinh thần .
 
 Nếu bà thứ nhất sểnh ra lại chạy tót sang hàng xóm , nghe thiên hạ kể về chồng thiên hạ , sau đó tự khai báo về chồng mình , thì bà thứ hai sểnh mắt ra là phóng thẳng tới quán cà phê , nghe thứ nhạc cả thiên hạ nghe tuy chả đứa nào hiểu được câu nào .
  Nếu bà thứ nhất đay nghiến tôi bao giờ về thì bà thứ hai hỏi tôi bao giờ đi . Nếu bà thứ nhất kêu rằng tiền điện , tiền ga đã tăng thì bà thứ hai than son môi và phấn hồng sao không giảm giá . Nếu bà thứ nhất khảo tôi về tiền lương thì bà thứ hai khảo tôi về quà tặng . Cả hai bà , trong một phạm vi nào đó , đều lái tôi và đối xử với tôi như thể tôi là giám đốc nhà băng .
 Cho nên không lạ gì , cho tới tận phút này , nhiều lúc tôi ngạc nhiên là mình còn sống . Hoặc mình chưa ngồi trên chiếc xe lăn . Nhưng tôi cảm thấy rất rõ ràng , cái giờ phút đó cũng chả còn xa nữa .

 Đọc tới đây , chắc hai bà sẽ hỏi : Khổ như vậy sao ông ( bà thứ nhất gọi ông ) và sao anh ( bà thứ hai kêu anh ) vẫn đèo bồng ?
 Khổ quá . Câu hỏi đó , chính tôi cũng thường tự hỏi mình . Và tôi cũng mang ra hỏi bạn bè tôi , tức mấy gã đàn ông khác . Số phận của chúng cũng chả hơn gì . Và bọn tôi đành kết luận thế này : cái kiếp đàn ông nó thế !
 Nhân đây cũng nói luôn, kiếp đàn ông thật ra là kiếp vô cũng khổ cực. Nhiều khi chả khác nào con ngựa, con trâu (chẳng hề được như con dê mà dân gian vẫn nói).
  Đàn ông sinh ra là để đàn bà lợi dụng, bóc lột (đôi khi bóc lột còn thô bạo hơn cả cướp bóc), đè nén và hành hạ. Đàn ông sinh ra là để đàn bà sai đi mua đồ, sai lái xe, sai trả tiền, sai đón con, sai luôn cả việc...đi ngủ.
  Trong cái bể khổ mênh mông, bao la đó, sự khổ vì bồ nhí cũng chả nổi bật bao nhiêu. Nó chỉ được gom chung vào nỗi khổ vì các bà. Đã là các bà thì một bà, hai bà hoặc ba bà cũng thế thôi!

 Hai bà thân mến,
 
 Giờ đây tôi đã tỉnh ra rồi. Tôi xin hai bà tha cho. Tôi không còn sức nữa.
 Kể từ giờ phút này tôi là một gã trai vô hại. Từ bỏ mọi mưu mô. Tôi ăn cơm nhà, tôi ngủ giường nhà. Tôi nuôi một vài con chim, mua vài hòn non bộ, sắm mấy giò phong lan. Tôi mở tivi xem tiết mục Thầy thuốc gia đình. Tóm lại, tôi hoàn lương toàn diện.
  Hai bà đừng xỉa xói nhau nữa. Đừng so bì nhau nữa. Tôi đã đầu hàng. Tôi đứng giữa hai phe. Tôi xin ngừng bắn.
 Bà nào định đi đâu, cứ đi. Bà nào đang ở đâu, cứ ở. Tôi cũng thế. Tôi xin một phút bình yên. Tha cho tôi đi nhé.



                                                                                                                                  -nhp-