Trường Nam Châu Thành và những năm tiểu học
Từ Minh Tâm
Năm 1959 tôi học mẫu giáo tại ngôi trường nằm
trước Nhà Thờ Phú Cường. Trường có hai lớp, một lớp nam và một lớp nữ (sau nầy
trường đổi thành trụ sở Ty Thanh Niên). Năm sau, tôi được chuyển lên học lớp
năm trường tiểu học Nam Châu Thành – Bình Dương. Chương trình tiểu học lúc đó
có năm lớp. Mới vô học lớp năm, sau đó lên lớp tư, ba, nhì, nhứt thì thi tiểu
học và chuyển qua trung học.
Trường Nam Châu Thành nằm trên đường Bác Sĩ
Yersin, gần Ngã Sáu. Phía trước trường, trên đồi cao là Nhà Thờ Phú Cường. Phía
sau là Chùa Bà Thiên Hậu. Bên hông trái của trường là một đường nhỏ tên là
đường Nguyễn Du. Đường nầy dẫn vào trường Nữ Châu Thành và nếu đi tiếp thì sẽ
tới Quốc Lộ 13 hướng về phía Nhà Ga Xe Lửa.
Trường nằm trong một khu đất rộng. Giữa trường
là một sân tráng xi măng sạch sẽ. Hai bên là hai dãy lớp học cách nhau khoảng
40 mét. Trước các lớp học có trồng cây tạo bóng mát nhưng cây không lớn lắm.
Những cây nầy có hoa màu vàng, vào mùa hè sẽ nở hoa rất đẹp.Mỗi dãy có 6 lớp
được xây bằng gạch lợp ngói. Nền lớp được xây khá cao so với sân trường. Vách
tường quét vôi màu vàng kẻ chỉ màu nâu. Trần lớp học được sơn màu trắng. Phía
trước nối liền hai dãy lớp là một hành lang có mái che. Giữa hành lang là lối
vào. Bên tay phải hành lang là văn phòng. Trước văn phòng có treo một cái
trống. Phía ngoài, gần đường là hàng rào xi măng và cổng sắt. Phía sau gần
tường rào với Chùa Bà là dãy nhà vệ sinh. Bên trái, trong cùng, là nhà của ông
lao công, một hồ nước, và một cái miễu nhỏ, không biết thờ ai.
Đây có thể là trường tiểu học lâu đời nhứt của
tỉnh nhà. Tôi không biết trường xây khi nào nhưng khi tôi vào học năm 1960 thì
có thể trường đã được xây khoảng 50-60 năm trước rồi. Trường cũ lắm. Trần nhà
có khi bị tróc vữa. Gạch lót nền thì mòn nhẵn có khi bị tróc mất. Nhà vệ sinh
thì hư và nghẹt hoài nên không được sạch sẽ cho lắm. Phía ngoài, quanh trường,
ở phía sau chùa Bà hay trên đồi nhỏ của Nhà Thờ Phú Cường lúc đó cây cối còn
rậm rạp, um tùm. Ngoài ra, do trường ở sát vách Chùa Bà nên tới rằm tháng giêng
thì bên chùa ồn ào, chiêng trống khiên cho việc học hành bên đây cũng khó. Thử
hỏi bạn làm sao học cho vô khi tiếng trống cù tùng xèng đầy hấp dẫn ở bên kia?
Về Ban Giảng Huấn, theo tôi biết, trước khi tôi
vào học thì hiệu trưởng của trường là ông Đốc Lưỡng (Nguyễn văn Lưỡng). Còn lúc
tôi vào học khoảng thập niên 1960 thì hiệu trưởng trường Nam những năm 1960 là
thầy Nguyễn văn Mãn. Tôi học lớp năm với thầy Thủ. Lúc đó học trò chỉ biết tên
thầy chớ ít khi biết họ. Những thầy khác đã dạy ở trường Nam và có nhiều người
biết là thầy Răng, thầy Hạc, thầy Que, thầy Phúc, thầy An, thầy Sử, thầy Thơ,
thầy Nhơn, thầy ThuTrong số các thầy nầy thì thầy Hạc, thầy Răng, thầy Nhơn ...
tương đối nổi tiếng hơn vì quý thầy rất khó và phạt học trò rất nặng. Thầy
Nguyễn Trung Thu cũng có nhiều người biết vì thầy rất đẹp trai, đàn hát giỏi và
là con của ông đốc An (Nguyễn văn An - Hiệu Trưởng Trường Tư Thục Văn An ở Ngã
Sáu). Sau nầy thầy Thu lên làm Thanh Tra Tiểu Học.
Giờ học ở trường chia làm hai ca. Những lớp lớn
học buổi sáng từ 8-12 giờ. Lớp nhỏ học buổi chiều từ 1-5 giờ. Học hai tiếng thì
ra chơi 10 phút. Học trò đi học mặc đồng phục quần cụt màu xanh, áo trắng bỏ
vào trong quần, mang phù hiệu trên túi áo. Khi nào đi lễ hay đi tuần hành ngoài
đường phố thì trường phát cho một cái mũ beret màu xanh dương và một khăn quàng
màu vàng viền xanh. Tôi học buổi chiều. Tuy học lúc 1 giờ mà hơn 12 giờ đã tới
trường nhưng tôi không vô học liền đâu mà còn la cà mua quà bánh lặt vặt do
những người bán dạo ở trước cổng như cà rem, me ngào đường, kẹo kéo ... Mấy ông
bán cà rem, kẹo kéo hay có bàn quay số. Nếu quay trúng số lớn thì sẽ được 2-3
cây ... Ngoài ra còn có những người bán đồ chơi, hình, sách truyện cũ ... Tiền
lúc nầy rất có giá, tôi nhớ lúc đó còn xài tiền năm cắc và một đồng.
Đúng 1 giờ, tiếng trống thùng thùng báo hiệu giờ
vào học. Lớp của tôi nằm tuốt bên trong, gần nhà của ông lao công. Trong lớp,
trên vách tường cao trước mặt học sinh có treo hình của tổng thống. Phía dưới
là bảng đen dài. Trên góc trái của bảng có ghi sỉ số và số học sinh nghỉ học.
Giữa bảng là hàng chữ: Thứ Hai ngày , tháng , năm 1960. Bên trái là bàn làm
việc của thầy. Trên bàn có sổ điểm danh và sách vở. Hai bên vách tường thường
có những lọ trầu bà làm bằng những bóng đèn cũ đổ nước vào và treo trên tường.
Tường phía sau có một số câu khẩu hiệu như: Tiên học lễ, hậu học văn hay Công
cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ... Đôi khi lớp
học còn trang trí bản đồ Việt Nam nữa. Bàn học sinh là những bàn dài. Ghế cũng
vậy. Đó là những băng ghế. Mỗi bàn có thể ngồi được 5 đứa. Lớp có hai dãy bàn,
mỗi dãy có 5 bàn dài như vậy mỗi lớp học lúc đó có khoảng 50 học sinh. Mỗi
ngày, thầy phân công một tổ làm vệ sinh. Lúc đó chúng tôi phải vô sớm để quét
lớp cho sạch.
Năm lớp năm chúng tôi học tập đọc, tập viết, toán.
Sách tập đọc có hai cuốn: Nửa năm đầu thì học vần và nửa năm sau thì học đọc.
Trang bìa sách học vần có hình cây đèn dầu và có hai câu: “Sách quốc ngữ - Chữ
nước ta” hai bên. Tôi nhớ hình như học trò lớp năm bắt đầu học hai chữ i và t
chớ không phải a, b như bây giờ. Học viết thì có tập kẻ hàng đôi và viết bằng
viết chì. Chữ tập viết đầu tiên là chữ i. Học toán thì có bảng đen nhỏ. Làm
toán xong thì giơ lên cho thầy coi có làm đúng không. Học hết lớp năm thì đã có
thể đọc báo được rồi.
Năm lớp tư chúng tôi tiếp tục học Toán, Tập Làm
Văn, Học Thuộc Lòng, Thủ Công, Hát. Lúc nầy học trò bắt đầu dùng tập kẻ hàng
chiếc, bao bằng giấy và có dán nhãn. Chúng tôi cũng viết bài bằng viết mực. Em
nào cũng phải có một cây viết và một bình mực (loại không đổ). Khi viết thì
chấm mực vào bình để viết. Mực viết thường có màu tím hay xanh dương. Khi nào
mực hơi nhiều thì chậm bằng tờ giấy chậm (hay dùng phấn trắng để lăn qua, phấn
sẽ hút mực dư). Do đồ dùng nghèo nàn như vậy nên bình mực có khi bị bể, nứt ...
làm dơ tập. Lúc đó chúng tôi sẽ bị ăn đòn. Tôi đã bắt đầu biết đọc truyện
tranh và các truyện ngắn hay tạp chí xuất bản hàng tuần như Măng Non và Tuổi
Trẻ mua ở nhà sách Phát Anh. Giá bán mỗi cuốn là 1 đồng (Măng Non) hay 2 đồng
(Tuổi Trẻ). Báo Tuổi Trẻ lúc đó có chuyện Tây Du Ký bằng tranh rất hấp dẫn.
Sách truyện khác thường chỉ có 8 trang trích dịch từ truyện Một Ngàn Lẽ Một
Đêm, Lucky, Tin Tin ... Sau nầy có chuyện xứ lùn Xì Trum, Tí Hon Thần Lực ...
Năm lớp ba học nhiều môn hơn: Đức Dục, Công Dân,
Cách Trí (Vạn Vật), Sử Ký, Địa Lý, Chánh Tả, Tập Làm Văn, Toán, Thủ Công, Hát
... Do học nhiều môn nên một cuốn tập 100 trang thường được chia ra hai phần để
chép bài cho hai môn. Cuối giờ học, cả lớp chúng tôi thường phải đọc cửu
chương: “Hai lần một là hai, hai lần hai là bốn ...”. Lúc này chúng tôi đã biết viết khá rành
rồi. Tới mùa Noel và Tết thì chúng tôi đã biết mua thiệp và viết vài chữ để gởi
chúc nhau với bạn bè.
Một bài học thuộc lòng hồi học lớp ba là bài
Luật Đi Đường, chắc bạn còn nhớ tới nay là:
“Ngoài đường xe chạy dập dìu
Em nên cẩn thận sợ nhiều rủi ro
Đi tay mặt mới khỏi lo
Muốn băng qua lộ mắt nheo ngó chừng
Ngắm xem sau trước ân cần
Thấy xe sắp đến thì đừng chạy qua
Đôi khi xe trước vừa qua
Xe sau chạy tới mà ta không ngờ
Ngã tư xem xét bốn bề
Xe to xe nhỏ sắp kề cận ta…”
Năm nầy, trường thiếu lớp học nên phải học thành
ba ca. Ca một từ 6-10 giờ sáng. Ca hai 10-2 giờ trưa. Ca ba từ 2-6 giờ chiều.
Học ba ca rất cực. Nhóm sáng thì phải dậy sớm. Nhóm trưa thì đói bụng. Nhóm
chiều thì về nhà quá tối.
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhứt là vào năm lớp ba, các
trường trong tỉnh cùng nhau tổ chức Tết Trung Thu. Chúng tôi thi nhau làm lồng
đèn và tới chiều ngày Rằm Tháng Tám thì cùng nhau hội ở trường Nam Châu Thành.
Sau đó đoàn học sinh các trường đi diễn hành vòng quanh thị xã. Đó là một đêm
thật thanh bình và thật vui. Không biết ngày nay, ở Việt Nam các em nhỏ có được
ăn Tết Trung Thu như vậy không?.
Năm lớp ba tôi học cô nhưng tôi quên mất cô tôi
tên gì. Cô không khó lắm nhưng cũng có một cây thước để gõ trên bàn khi nào lớp
mất trật tự. Em nào quậy quá thì cô bắt quỳ gối trước lớp, hay có khi quỳ ngoài
hành lang. Có lần cô phạt khẻ tay một bạn kia. Về nhà bạn ấy mét ba má. Hôm
sau, má của nó vào trường gây sự khiến cho cô tôi cũng hơi vất vã để giải
quyết.
Qua năm lớp nhì thì do thiếu lớp, chúng tôi bị
chuyển vào trường Nam Chi Nhánh (kế bên một biệt thự làm văn phòng Ty Giáo Dục,
gần ngã ba Cây Sao Quỳ - sau nầy biệt thự nầy là văn phòng Quận Châu Thành).
Ngoài học sinh từ Nam Châu Thành đến học, tôi còn thấy có những lớp cao hơn của
một số anh chị học trung học vì trường nầy hình như là Trường Bán Công lúc đó.
Học lớp nhì chúng tôi đã viết bằng viết máy. Những hiệu viết nổi tiếng là
Parker và Pilot. Loại nầy xài rất tốt và lâu hư nhưng rất mắc tiền nên tôi không
có tiền mua mà chỉ mua loại viết máy của Đài Loan hiệu Tatung. Loại viết nầy
xài rất mau hư vì làm bằng chất dẽo cứng và dễ nứt. Hàng nội hoá của Việt Nam
lúc đó cũng chưa sản xuất được cây viết máy.
Năm lớp Nhì, tôi học thầy Bình. Các môn học gồm
Cách Trí, Sử Ký, Địa Lý, Toán, Luận Văn ... Lúc nầy mỗi tuần phải làm một bài
luận. Khi thì tả đồ vật, khi thì kể chuyện ...
Tôi học lớp Nhì B. Có một lần thầy Bình bận việc
gì đó trên văn phòng. Lớp không có ai quản lý nên chạy nhảy lung tung, ồn ào
như cái chợ. Thầy Nhơn dạy lớp Nhì A kế bên qua bắt mỗi đứa xoè tay ra khẻ một
khẻ đau điếng. Có chạy nhảy hay không đều bị phạt như nhau. Bị phạt một lần thì
tởn tới già ...
Năm lớp Nhứt, tôi học thầy Vân. Chúng tôi chú
tâm học ba môn chánh là Câu Hỏi Thường Thức, Toán và Luận văn. Tôi nhớ rõ trong
phần Câu Hỏi Thường Thức có môn Sử Ký mà bài đầu tiên có tựa là: “Lê Chiêu
Thống cõng rắn cắn gà nhà”. Tựa bài rất bình dân nhưng làm mình nhớ hoài về một
việc làm nhục nhã của một ông vua thời Lê mạt. Về Luận Văn chúng tôi học cách
bình luận những câu ca dao tục ngữ như Uống Nước Nhớ Nguồn, Ăn Trái Nhớ Kẻ
Trồng Cây... Ngoài ra, chúng tôi còn học cách viết một lá thư thăm hỏi nữa. Về
Toán, học tới lớp năm thì phải biết giải những bài toán đố rất khó như chia
tiền lời khi buôn bán theo tỉ lệ phần hùn, hoặc biết cách chia đất đai trong
những bài toán hình học. Năm nầy là năm thi chuyển cấp nên phải học hai buổi.
Sáng học từ 8-12 giờ. Trưa học từ 2-4 giờ. Từ nhà tôi ở Chánh Hiệp vô tới
trường đi bộ khá xa chừng hơn 3 km. Trưa về ăn cơm xong, đi ngược lại, vô tới
trường là mệt lắm rồi, nên thật ra học cũng không được bao nhiêu.
Trường ở xa tận Ngã Ba Cây Sao Quỳ, khi đi học
chúng tôi hay đi theo đường Bác Sĩ Yersin. Đường xa, trưa nắng nên khá mệt. Đôi
khi chúng tôi được một bác đánh xe bò tốt bụng cho có giang thì thích lắm. Đi
học về có khi cả bọn rủ nhau về bằng đường rừng. Đó là con đường đi từ phía sau
trường, theo các đường mòn trong các thôn xóm nằm hai bên một con rạch, sau đó
vòng xuống xóm Giếng Máy rồi xuyên qua quốc lộ 13 về nhà. Đường rừng nầy có một
đoạn có rất nhiều trái cây hoang như trái sim, nhãn lồng ... Chúng tôi hay hái
mấy trái nầy ăn chơi. Nhãn lồng trái nhỏ, nhiều hột ăn ngọt. Trái sim màu tím,
ăn xong bị tím cả miệng thấy rất tức cười.
Năm nầy lúc rảnh thì thầy dạy những bài hát rất
hay giúp nâng cao lòng yêu nước như: Quyết Tiến, Khỏe Vì Nước, Bạch Đằng Giang,
Nhà Việt Nam, Những Nẻo Đường Việt Nam ... Những câu hát như:
Quyết
tiến ta giống dân Lạc Hồng
Liều thân sống tranh đấu giữ gìn non sông
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Máu anh hùng ngàn đời nhuộm thắm núi sông
Quyết tiến khi nước non reo hò
Lòng cương quyết tranh đấu giữ gìn tự do
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Máu anh hùng rạng danh nòi giống Tiên Rồng
Vết oai hùng ngàn xưa nay còn lưu dấu
Gương sử xanh nước Việt ngàn đời hùng anh
Chí quật cường toàn dân hy sinh tranh đấu
Khắp núi sông rạng danh nòi giống Tiên Rồng...
đã nung nấu trong tôi lòng yêu quê hương đất nước, sẵn sàng liều
thân tranh đấu cho dân tộc. Ngày nay trong hoàn cảnh đất nước tuy thanh bình
nhưng lảng vảng bóng ngoại xâm, không biết trong chương trình học có dạy những
điều như vậy hay không?.
Tôi còn nhớ những bạn học của tôi năm lớp nhứt
là: Lê Thuận Cảnh, Lê Quang Phước, Huỳnh Francoise, Trần Công Hảo, Vương Phát
Đạt, Sơn, Hà, Nhựt, Tài, Lôi Phong, Việt Cường ... Nhiều bạn là người Hoa. Đa
số đều ở ngoài khu chợ Phú Cường. Lê Thuận Cảnh lớn hơn tôi một tuổi, học rất
giỏi. Năm lớp nhì nó đứng nhứt lớp, nhưng tới năm nay thì học hơi yếu nên bị
tôi qua mặt.
Cuối năm học luôn luôn có lễ phát thưởng. Học
hạng nhứt tới hạng năm thì có phần thưởng. Trong lễ có phần văn nghệ phụ diễn.
Lúc nầy chúng tôi tập ca hát, đóng kịch để chuẩn bị đóng góp cho buổi lễ.
Trường Nam và Nữ Châu Thành tổ chức chung. Bên trường Nam thường có các màn
kịch vui. Bên trường Nữ thường có các màn vũ. Buổi lễ có sự hiện diện của ông
Tỉnh Trưởng và các vị phụ huynh. Năm lớp nhứt tôi học giỏi, đứng nhứt lớp nên
được lãnh phần thưởng cũng nhiều. Ba má tôi cũng rất vinh dự nên gặp ai ông bà
cũng khoe có thằng con học giỏi.
Về mùa hè, trường Nam Châu Thành thường được
dùng làm nơi tổ chức thi Tiểu Học. Tuy nhiên, tới năm 1965 thì chúng tôi không
cần thi nữa vì chỉ cần đậu các cuộc thi lục cá nguyệt trong lớp là coi như tốt
nghiệp. Kỳ thi Tiểu Học chỉ dành cho người lớn. Họ thi lấy bằng để có thể tăng
ngạch trong công chức, lên lương và đỡ phải lao động cực khổ.
Nhân nói về trường Nam Châu Thành tưởng cũng nên
nhắc sơ qua về trường Nữ Châu Thành. Trường Nữ nằm hơi khuất trên đường Đồ
Chiểu. Kiến trúc trường Nữ cũng tương tự trường Nam Châu Thành, nhưng sân chơi
trồng cỏ chớ không tráng xi măng. Trường do các cô giảng dạy. Ban giảng huấn
nổi tiếng nhứt là bà Hiệu Trưởng Đinh Thị Phạn, cô Phú, cô Loan, cô Năm Bèo ...
Sau 1975, trường nầy trở thành trường Mẫu Giáo Măng Non.
Năm 1965, tôi đậu vào Trịnh Hoài Đức nên không
biết thêm về sinh hoạt của trường Nam Châu Thành từ đó. Khoảng năm 1973, trong
khuôn viên trường Nam Châu Thành được xây thêm một Hội Trường lớn của Ty Tiểu
Học. Ở đó có một bàn bóng bàn nên vào mùa hè, tôi hay đến đánh bóng bàn ở đó.
Sân trường cũng được tráng xi măng và giăng lưới thành sân quần vợt. Sau 1975,
trường đổi tên là Phú Cường I, sau đó thành Nguyễn Du. Trường cũ hư hỏng nhiều
bị phá bỏ xây mới. Mặt tiền trường quay qua đường Nguyễn Du. Trường Nam Chi
Nhánh hiện giờ đổi tên là Trung học cơ sở Chu văn An.
Bây giờ về Bình Dương, tới ngay Ngã Sáu,
hỏi người đi đường chắc không ai biết Trường Nam Châu Thành là trường nào, ở
đâu, vì rất nhiều dân Bình Dương ngày nay là từ nơi khác đến. Bài viết chỉ mong
nhắc lại một ngôi trường từng đào tạo cho tỉnh nhà nhiều nhân lực giỏi mà bây
giờ đã ở tuổi 60-70 ... Còn những thầy cô quý mến có tên trong bài viết chắc đã
già lắm hay đã ra người thiên cổ. Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ về công
ơn khai sáng của quý thầy cô với tất cả sự kính trọng và quý mến.
Ngoài ra, đây
chỉ là một bài thuộc loại nhớ gì viết nấy trong thời gian đầu thập niên 1960.
Nếu độc giả còn nhớ điều gì khác về một ngôi trường có lịch sử lâu đời thì xin
bổ túc thêm về một ngôi trường có nhiều kỷ niệm./.