Nằm ven sông Sài Gòn, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 10km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 20km về phía Bắc, Lái Thiêu từng được biết đến là một địa danh nổi tiếng từ hàng trăm năm với nhiều loại cây trái miền nhiệt đới thơm ngon như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu… Từ phường Lái Thiêu đi về hướng thị xã Thủ Dầu Một, dọc theo con đường nhựa là các vườn cây nối vườn cây trải dài hàng cây số qua các phường Lái Thiêu, An Thạnh, Vĩnh Phú và các xã Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn… thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích trồng cây đến 1.230ha, trong đó nhiều và tập trung nhất là xã An Sơn với hơn 400ha.

Cầu Ngang, cổng cào vườn cây trái Lái Thiêu

Với một thổ nhưỡng thuận lợi, cây cối tốt tươi, vườn cây ăn trái Lái Thiêu trở thành điểm du lịch xanh thích hợp với nhiều lứa tuổi. Hàng năm cứ vào mùa mưa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây chín rộ, du khách ghé vườn Lái Thiêu dù tham quan hay nghỉ ngơi đều được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và sẽ rất thú vị khi có dịp nhìn ngắm các loại trái cây lúc lỉu trên cành. Du khách đến đây có thể đi dạo dưới những vòm cây trỉu quả, mắc võng nghỉ ngơi trong vườn hoặc thưởng thức hương vị ngọt ngào từ các loại trái cây, khách cứ việc hái trái ăn thoải mái xong rồi mời chủ vườn ra đếm cuống tính tiền… Du khách thích cảnh sông nước cũng có thể ghé Cầu Ngang du thuyền dạo chơi ven vườn hoặc trên sông Sài Gòn, ngắm nhìn cảnh vườn cây xanh mượt soi bóng nước lặng lờ, tưởng đời mình như chiếc thuyền nan cứ nhẹ trôi, nhẹ trôi…


Quả ngọt Lái Thiêu

Những điều “tưởng như đơn giản” ấy đã sớm trở thành cổ tích trong thời buổi “người khôn của khó”, nhất là trong những năm gần đây khi các vườn cây trái Lái Thiêu bị “triệt sản” cùng với việc hình thành những khu công nghiệp, chỉ còn lại vườn cây mà không có trái. Theo đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học - Công nghệ Bình Dương, 40,59% cây chết do nước thải công nghiệp bên cạnh những nguyên nhân khác như ngập nước, ô nhiễm chất thải chăn nuôi, cây giống nhiều tuổi đã qua thời kỳ cho trái hoặc biện pháp canh tác lạc hậu… Để khắc phục tình trạng oái oăm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương đã có nhiều biện pháp giúp nông dân Lái Thiêu cải thiện tình hình, trong đó có các dự án như đê bao An Sơn ngăn chặn nước mặn xâm nhập hoặc đề án cải tạo, nâng cao năng suất vườn cây Lái Thiêu đến năm 2008… Thực tế hệ thống đê bao An Sơn vẫn chưa hoàn thành do tiến độ thi công chậm, đang khi đề án cải tạo, nâng cao năng suất cây vẫn chưa thể bàn đến nếu không giải quyết được vấn đề căn cơ nước thải công nghiệp (!).

Cây trái Lái Thiêu

Trước tình trạng “dở khóc dở cười”, các chủ vườn cũng không còn “hứng thú” hay “nhiệt tình” đón khách đến thăm vườn, nhiều hộ đã phải phá vườn, bán đất hoặc cất nhà để lấy vốn chuyển sang ngành nghề khác. Lợi dụng “tiếng thơm” của vườn cây trái Lái Thiêu và nhu cầu tham quan nghỉ ngơi của khách vãng lai, một số chủ vườn hoặc người giả làm chủ vườn đã cho “người nhà” ra đón đường chèo kéo dẫn khách vào vườn và khi khách có nhu cầu thưởng thức trái cây, họ liền ra chợ mua và bán lại với giá “cắt cổ” (đắt gấp 4, 5 lần thậm chí đến 10 lần giá bán bên ngoài), đặc biệt họ viện đủ thứ lý do để khước từ yêu cầu thăm vườn của du khách. Với những biểu hiện tiêu cực và thiếu thân thiện như thế, không lạ gì khu du lịch Lái Thiêu - Cầu Ngang đang ngày càng vắng khách tham quan.
Măng cụt Lái Thiêu

Để giải quyết bài toán nan giải, giúp vực dậy tiềm năng của khu du lịch Lái Thiêu - Cầu Ngang, thiết tưởng các ngành chức năng cần phải vào cuộc. Trước mắt phải lành mạnh hóa hoạt động đón khách thăm vườn, dẹp bỏ nạn “cò” chèo kéo và chặt chém vô tội vạ nhằm tái tạo niềm tin nơi du khách. Hiện tỉnh Bình Dương đang có kế hoạch khôi phục lại vườn cây ăn trái xưa bằng cách hỗ trợ phân bón, cải tạo môi trường kênh, làm đường, tạo ra những vùng chuyên môn về du lịch và khuyến khích các hộ làm du lịch sinh thái. Hy vọng vườn sinh thái Lái Thiêu Cầu Ngang sẽ sớm trở lại thời hoàng kim, đáp ứng niềm mong mỏi chính đáng của mọi người.