Nhãn

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Du LỊCH MYANMAR ; Bình yên đất Phật

Bình yên Đất Phật

Ý tưởng du lịch Myanmar đến với tôi sau khi đọc bài tâm sự của một du khách người Việt thoát chết trong tai nạn máy bay trên đường từ Yangon đến Heho. Ấn tượng về Myanmar trong ông lẽ ra sẽ là những ám ảnh và trách cứ nhưng chính sự giúp đỡ kịp thời, nhiệt tâm, không vụ lợi của người dân và chính quyền địa phương, thái độ hối lỗi, sửa sai chân thành từ hãng máy bay đã khiến vị khách phải thốt lên “Từ Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước chẳng cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân hậu, vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu”. Một đất nước như thế thật xứng đáng để chúng ta khám phá.
Chùa vàng vĩ đại ở Yangon
Nhóm chúng tôi quyết định dành 7 ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2013 để làm “ta ba lô” trên đất Miến Điện. Cảm tình đầu tiên của tôi đối với Myanmar là cô hải quan bôi thanka thành hình hai vệt trắng bên má bất ngờ chào tôi bằng tiếng Việt sau khi xem passport. Cô cho biết các nhân viên hải quan ở sân bay quốc tế Yangon đều biết chào hỏi bằng rất nhiều thứ tiếng để tạo cảm giác thân thuộc với du khách ngoại quốc. Một cách quảng bá du lịch tiết kiệm mà rất hiệu quả.
So với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Yangon tương đối kém phát triển hơn. Thế nhưng chính điều đó có lẽ là một trong những yếu tố lưu giữ nét thanh bình nơi đây. Chưa có những tòa nhà chọc trời, thành phố còn lưu nét kiến trúc thời Pháp thuộc, nếp sống của người dân nơi đây vẫn thong dong như vài chục năm trước, vẫn còn cảnh từng đoàn nhà sư khất thực vào mỗi sớm mai, hầu hết đàn ông mặc Longyi (một loại váy quấn như xà rông) và ăn trầu. Chúng tôi nói đùa là kinh tế Myanmar chậm phát triển vì cứ mỗi mười phút các ông lại phải quấn lại Longyi một lần.
Trước khi đến Myanmar, tôi có tâm nguyện sẽ đi viếng tất cả các ngôi chùa ở Yangon nhưng khi đến nơi, tôi mới biết đó là “nhiệm vụ bất khả thi” vì riêng số lượng chùa ở Yangon đã vài ngàn. Đạo Phật Nguyên Thủy (Theravada) được truyền vào Myanmar từ thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế và giữ vai trò chi phối đời sống văn hóa tinh thần của quốc gia này. Không ai thống kê được chính xác số lượng chùa chiền ở Myanmar vì những ngôi chùa vẫn đang được tiếp tục xây dựng khắp nơi. Việc xây chùa tiếp diễn bền bỉ từ ngàn đời nay ở Myanmar cuốn hút gần như toàn bộ đam mê và sức lực của mọi tầng lớp người dân Myanmar, từ vua chúa, quan lại, nhà giàu cho tới các làng xóm dân cư, đó là lý tưởng sống và cũng là cơ hội để thể hiện tài năng nghệ thuật của họ.
Ngôi chùa nổi tiếng nhất Myanmar là chùa Vàng Schwedagon tọa lạc trên một ngọn đồi trong khu quý tộc lâu đời của thành phố Yangon, nơi tương truyền đang lưu giữ 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Chùa Schwedagon có lịch sử 2.500 năm, là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo kỳ vĩ nhất trên thế giới, có thể sánh với Angkor của Campuchia và cung điện Pôtala kỳ bí trên đất Tây Tạng.
Trước khi tới đây, hầu hết mọi người đã có khái niệm sơ bộ về kỳ quan này qua sách báo, phim ảnh hoặc lời kể. Thế nhưng khoảng cách giữa khái niệm và thực tế rất lớn, khiến du khách không thể kiềm được được sự thán phục. Khi bước ra khoảng sân chùa rộng lớn bằng cẩm thạch trắng, chúng tôi có cảm giác như lạc vào Thiên Cung khi tận mắt chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc vĩ đại tráng lệ, với khoảng 1.000 đơn thể chùa tháp muôn màu muôn vẻ bao quanh ngôi tháp vàng cao gần 100m.
Tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật, được phủ kín bởi 500kg vàng và được trang trí bằng hàng ngàn viên đá quý, kim cương, hồng ngọc. Trên đỉnh tháp là lá cờ đuôi nheo được làm hoàn toàn bằng vàng, khảm kín với 5.448 viên kim cương và 2.317 viên đá quý cùng hàng ngàn chiếc chuông vàng, chuông bạc. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn đêm, ngôi chùa vàng luôn phát những tia sáng vàng lấp lánh như một biểu tượng bất diệt của lòng tin tôn giáo.
Chúng tôi đến chùa Schwedagon vào một buổi chiều thường ngày và ngồi đợi để ngắm cảnh ngôi chùa sáng rực lên khi mặt trời vừa khuất bóng. Chính trong buổi chiều đó tôi mới hiểu tại sao Myanmar thường được biết như một quốc gia yên bình với những người dân nhân hậu.
Có vẻ như hầu hết người dân Myanmar đều đi chùa ít nhất một lần trong ngày: các em học sinh rủ nhau đến chùa sau giờ học, các bà nội trợ, nhân viên công sở còn mặc nguyên đồng phục... Người đến chùa rất đông nhưng không nhang khói cay xè mắt, cũng không có cảnh dâng sớ, đội lễ trông chờ sự trợ giúp của thánh thần. Người dân Yangon đến chùa với một dáng vẻ thanh thản, thành kính. Họ im lặng ngồi thiền định dưới những bóng cây, lần chuỗi đọc kinh trên chánh điện, tự nguyện làm công quả quét chùa, tắm tượng… Họ đến chùa như một cách răn mình.
Cảnh tượng làm tôi nhớ đến một câu chuyện: khi cuộc cách mạng giai cấp thắng thế ở Myanmar, người dân được kêu gọi đi cướp của người giàu chia cho người nghèo nhưng họ từ chối vì quan niệm người ta giàu vì họ đã khéo tu trong các kiếp trước và mình cướp của họ thì sẽ tạo nghiệp ác cho kiếp sau. Phải chăng đó chính là buông xả? Người ta sẵn sàng từ bỏ cơ hội thay đổi cuộc sống của mình trong kiếp này vì tin tưởng vào sự công bằng của nhân quả.
“Dấu xưa xe ngựa…”  ở Bagan
Nếu bạn đến Yangon để kiếm tìm sự thanh bình trong cảnh vật, trong một nếp sống “chậm” chân thành dường như đã thành quá vãng thì khi đến Bagan bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình, thư thái trong chính tâm hồn mình.
Thành phố cổ Bagan nằm ở miền trung Myanmar, trải rộng khắp dải đồng bằng khô cằn bên dòng sông Ayeyarwady thơ mộng, từng là kinh đô của vương triều phong kiến đầu tiên của Myanmar, được xây dựng từ thế kỷ thứ X. Trong thế kỷ XII và XIII, Bagan là trung tâm Phật giáo của quốc gia này.
Ngày nay, lầu cổ đền đài dường như không còn dấu tích nhưng quần thể hơn 1.000 ngôi chùa trải dài trên 50km2 vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn nhờ sự sùng đạo của người dân. Chùa Bagan có kiến trúc xây bằng gạch hoặc đá xám dạng tháp do ảnh hưởng của Ấn Độ. Điểm đặc biệt của chùa Bagan là bốn hướng đều có bốn tượng phật lớn, do trong niềm tin của người Myanmar có năm vị Phật, trong đó bốn vị đã về cõi Niết Bàn, còn lại một vị vẫn ở trong thế giới này để dẫn dắt chúng sanh.
Bagan gợi cho tôi nhớ đến thánh địa Mỹ Sơn, đến Angkor Wat. Trong một đất nước của những ngôi chùa dát vàng, đâu đâu cũng thấy lấp lánh ánh kim, thì màu nâu đỏ của gạch, sự nhẵn mịn của những bức tường đá ong và sự hoang sơ của không gian rộng lớn tạo cho Bagan một vẻ đẹp trầm tĩnh riêng biệt.
Hầu hết du khách người Việt đến Bagan thường buột miệng ngâm lên câu thơ “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lầu đài bóng tịch dương…” vì phương tiện di chuyển trong khu Old Bagan chủ yếu là xe ngựa và xe đạp. Những buổi trưa ngồi vắt vẻo trên xe ngựa, thả hồn vào tiếng xe ngựa lóc cóc, lang thang qua những khu đền đài thành quách rêu phong, đi mãi đi mãi vẫn thấy mênh mông đền đài như một miền cổ tích trong ký ức.
Thời khắc đẹp nhất để ngắm Bagan là lúc bình minh. Chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để leo lên ngôi chùa cổ Shwesandaw chờ đón những tia nắng đầu tiên. Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi chân trời, khung cảnh đền đài hùng vĩ của Bagan thấp thoáng hiện ra từ trong sương hồng, nắng rực lên như thủy tinh khiến màu gạch đỏ của những ngôi đền trở nên bí ẩn và huyễn hoặc, khiến những đỉnh tháp dát vàng càng trở nên uy nghi và tráng lệ. Chúng tôi ngồi bên nhau, những người khách du lịch đủ mọi quốc tịch, màu da cùng ngắm nhìn cảnh tượng tuyệt đẹp ấy trong im lặng thành kính. Tất cả chúng tôi và Bagan được ôm ấp trong bầu không khí an lành, tinh khiết của một sớm mai yên bình.
Rất nhiều lần, nghẹt thở với áp lực công việc, cuộc sống, tôi lại muốn quay lại Myanmar để đạp xe trên những con đường đầy nắng vàng của Bagan, hay dạo chân trần trên những khoảnh sân chùa nóng rẫy mà lòng thanh thản, vô ưu. Tôi tự hỏi tại sao trong nhiều vùng đất tôi đi qua Myanmar lại có tác dụng như một liều nước mát đối với tâm hồn. Phải chăng đất nước này như một người bạn tri kỷ hiền lành, chân chất nhưng cũng rất trầm tĩnh, cương nghị khiến ta có thể tìm về mỗi khi rối bời để rồi thấy lòng tĩnh lại. Myanmar không phải chỉ là nơi bạn đến mà là nơi bạn sẽ trở về. Hy vọng khi tôi trở về, “bạn tôi” vẫn giữ nguyên những nét đẹp như xưa.
Những điều cần biết khi “Tabalo” trên đất Miến điện
• Đi Yangon từ Việt Nam: Vietnam Airlines bay thẳng từ Sài Gòn qua Yangon hoặc bay giá rẻ của AirAsia sang Kuala Lumpur hoặc Bangkok rồi bay tiếp sang Yangon.
• Nhớ mang USD theo đổi sang Kyat (1USD= 870 Kyat) hoặc xài tiền USD nhỏ cũng được, hầu như không chấp nhận đô Úc hay Euro, Bảng Anh. Myanmar chưa có máy ATM và không chấp nhận thẻ tín dụng. Tiền USD phải là loại sản xuất sau năm 2006 và phải thật sạch sẽ, không có nếp gấp.
• Mua sắm, đi lại ở Yangon cũng nên trả giá. Taxi ở Yangon khoản 6.000 Kyat/giờ.
• Các thành phố du lịch chính ở Myanmar là: Yangon, Bagan, Mandalay, Heho. Phương tiện di chuyển giữa các thành phố là máy bay, xe lửa, xe buýt. Hãng hàng không Air Mandalay thường có gói giảm giá cho những ai mua trọn gói các tuyến giữa 4 thành phố trên.
• Nếu muốn đi du lịch tự túc, bạn nên nhờ các công ty du lịch đặt phòng khách sạn, vé máy bay nội địa trước khi khởi hành vì Myanmar đang rất thiếu các dịch vụ này.
• Thời gian đẹp nhất để du lịch Myanmar từ tháng 10 đến tháng 2 trong năm.
• Khi vào chùa, bạn phải cởi giày và nón. Phụ nữ không được chạm vào tượng phật và các sư.
 
Bài: N.H.C


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét