Cơm tấm, canh bún, hủ tiếu, bánh xèo... là những
món ăn nổi tiếng ở đất Sài Gòn mà bạn không nên bỏ qua khi đến đây.
Sài Gòn từ lâu được biết đến là nơi tập trung
rất nhiều món ăn ngon từ khắp mọi miền đất nước. Từ những đặc sản vùng miền cho
đến những món ăn phổ biến bạn đều có thể tìm thấy và thưởng thức ở thành phố
mang tên Bác. Nếu có dịp đến Sài Gòn, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những món
ăn được cho là đặc sắc nhất nhé.
Cơm tấm
Được nấu từ những hạt gạo vỡ, cơm tấm là món ăn
chống đói của người dân nghèo. Tuy nhiên, không biết từ khi nào, cơm tấm trở
nên phổ biến, trở thành món ăn đặc sản của Sài Gòn. Những hàng bán cơm tấm với
chiếc tủ kính trên vỉa hè, một lò nướng sườn đang tỏa khói nghi ngút đã trở
thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc qua các con phố ở Sài Gòn.
Cơm tấm nổi tiếng đến mức mà người ta thường rỉ
tai nhau, ai chưa ăn cơm tấm coi như chưa đến Sài Gòn. Cơm tấm được ăn kèm với
miếng sườn nướng, ngoài ra bạn có thể ăn kèm với phá lấu, chả, trứng ốp la, mắm
chưng, bì... Tuy là món ăn nổi tiếng nhưng cơm tấm cũng là món ăn rất bình dân.
Với khoảng từ 17.000 đồng, bạn đã có một đĩa cơm tấm sườn nóng hổi, ngon miệng.
Hủ tiếu
Nếu người Hà Nội tự hào với món phở thì hủ tiếu
chính là niềm tự hào của người Sài Gòn. Xuất phát điểm của món ăn là từ người
Hoa, nhưng món ăn này đã được biến tấu một cách khéo léo, hài hòa để phù hợp
với khẩu vị của người Việt. Được nấu từ bánh hủ tiếu, tôm, thịt nạc băm... cùng
với nước lèo trong vắt nhưng có vị thanh ngọt tự nhiên của nước hầm xương, đây
chính là điểm làm nên sự hấp dẫn cho món ăn này.
Ngoài hủ tiếu nước, bạn có thể ăn hủ tiếu khô
với sự đậm đà của nước tương cùng bát nước lèo nóng hổi bên cạnh. Rau sống ăn
kèm món này khác hoàn toàn với bún bò hay phở, gồm giá, xà lách, ngoài ra còn
có hương thơm của lá hẹ, cần tây và sự thanh mát của cải cúc... Món ăn này có
mức chênh lệch khá cao giữa lề đường với những quán có thương hiệu. Một bát hủ
tiếu có thể có giá từ 20.000 đến 100.000 đồng.
Hủ tiếu gõ cũng là món ăn phố nổi tiếng ở Sài
Gòn. Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của
những người bán. Nếu mới vào Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên trước âm thanh lóc cóc
vang lên từ hai thanh tre. Đó đích thị là tiếng rao mời của hủ tiếu gõ. Nếu hủ
tiếu Nam Vang là món ăn mắc tiền thì hủ tiếu gõ chính là món ăn lót dạ của giới
công nhân, sinh viên khi tan tầm hay đêm muộn.
Chủ nhân của những chiếc xe hủ tiếu gõ không bao
giờ là người miền Nam, mà thường từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Bát hủ tiếu
có đầy đủ các thành phần như bánh hủ tiếu, giá chần, thịt heo, bò viên, nước
lèo... Nghệ thuật của món ăn này được thể hiện qua việc thái thịt, từng lát
thịt được thái mỏng như tờ giấy. Nhưng, ăn hủ tiếu không phải vì mê ăn thịt,
người ta thích vì sự thuận tiện, luôn được phục vụ tận nơi với bát hủ tiếu đầy
ắp còn bốc khói nghi ngút. Đơn giản là thế, nhưng với những người dân Sài Gòn,
mỗi khi đi xa lại nhớ quay quắt tiếng lóc cóc quen thuộc của món ăn bình dân
này.
Bánh canh
Đây là món ăn phong phú nhờ sự biến tấu với
nhiều nguyên liệu như: giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm sườn hay tôm nước cốt
dừa... Chính nhờ sự phong phú đó mà món ăn này trở nên quen thuộc trong thực
đơn ăn vặt của người Sài Gòn. Nước dùng bánh canh sánh, hơi sền sệt được nấu
chung với sợi bánh làm từ bột gạo hoặc bột lọc cùng nguyên liệu ăn kèm.
.
Nếu muốn ăn bánh canh giò heo, bạn có thể ghé
đến đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), bánh canh ghẹ thì ghé cầu Bông (quận Bình
Thạnh), bánh canh cá lóc đến đường Nguyên Hồng (quận Gò Vấp), bánh canh tôm
nước cốt dừa ở gần cầu Kiệu (quận 3)...
Các món cuốn
Có thể nói, Sài Gòn là nơi hội tụ của các món
cuốn với rất nhiều loại cho bạn lựa chọn, từ cá lóc nướng trui, cá lóc hấp bầu
cuốn bánh tráng nổi tiếng của người miền Tây, món cá nục hấp cuốn bánh tráng
của người Trung, hay các món thịt luộc, nem nướng, bò lá lốt.... Đó còn chưa kể
đến món bánh khọt, bánh xèo ăn kèm với bánh tráng, rau sống đặc trưng của người
dân nơi đây.
Tuy về hình thức giống nhau, nhưng nếu để ý, bạn
có thể nhận ra được sự khác nhau trong món cuốn của người Trung hoặc người Nam.
Đó là người miền Nam thường cuốn kèm với bún tươi, riêng người miền Trung thì
không có hoặc rất ít. Một điểm nữa là người miền Trung thường chấm với nước
lèo, mắm nêm, riêng người miền Nam thì ăn với nước mắm pha chua ngọt.
Xem thêm món ăn ngon
không nên bỏ qua ở Sài Gòn
Huấn Phan